Kinh tế

'Xanh hóa' nền nông nghiệp

Nhóm phóng viên 25/12/2023 07:00

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn có sự thăng tiến vượt bậc. Nông nghiệp không chỉ là “trụ đỡ”, là “vịnh trú bão” cho nền kinh tế mà còn đem về cho đất nước xấp xỉ 54 tỷ USD từ xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp xanh - đó là bước đi đầy triển vọng của Việt Nam.

cover.jpg
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao có vai trò quan trọng trong thúc đẩy nông nghiệp xanh. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan, trong bối cảnh khí hậu đang thay đổi; thị trường, cách lựa chọn của người tiêu dùng cũng thay đổi, thì sản xuất nông nghiệp chắc chắn phải thay đổi để tạo ra các giá trị mới, phù hợp với xu thế của thời đại.

Tái cơ cấu để hướng tới “giá trị xanh”

Việt Nam có tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm tới gần 75% diện tích đất tự nhiên, lực lượng lao động nông nghiệp chiếm 30%; người dân ở nông thôn chiếm đến 70% dân số cả nước. Vì thế, vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân chính là một mục tiêu chiến lược.

Những năm gần đây ngành nông nghiệp nước ta phải đối mặt thách thức lớn từ nội tại tới khách quan như: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới. Những thách thức này đòi hỏi cần phải có sự thay đổi, dịch chuyển để hướng tới một nền nền nông nghiệp xanh bền vững.

Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên khi trên 90% diện tích trồng cà phê của cả nước tập trung ở vùng này. Ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, đồng chủ trì Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) cho biết, thời gian qua, nhóm ngành hàng cà phê đã tích cực tái cơ cấu để phát triển bền vững, khi giảm lượng nước tưới đến 25%; giảm 15% lượng thuốc bảo vệ thực vật và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh.

Trong khi đó, nhóm ngành hàng rau củ cũng tiết kiệm nước bằng phương thức tưới phun sương và tưới nhỏ giọt; hướng tới tăng dinh dưỡng cho đất bằng khuyến cáo người nông dân luân phiên cây trồng.

Không nằm ngoài xu hướng nông nghiệp xanh, ngành hàng xuất khẩu chủ lực là thủy sản cũng triển khai các hoạt động có trách nhiệm với môi trường, các sáng kiến giảm thiểu năng lượng điện và lượng nước....

Việc hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững không chỉ ở những doanh nghiệp (DN) lớn mà ở những nông hộ có quy mô nhỏ. Nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tiết kiệm chi phí, năng lượng, giảm phát thải cũng được triển khai, trong đó có mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản (mô hình VAC, lúa - tôm, lúa - cá…); mô hình nông - lâm kết hợp, mô hình vườn - rừng; mô hình vườn - ao - chuồng - bioga (VACB); vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) ở các tỉnh miền núi; vườn - ao - hồ (VAH) ở các tỉnh miền Trung…

Tất cả những điều đó là minh chứng cho thấy nông nghiệp Việt Nam đã thực sự chuyển mình, từ sản xuất theo phương thức cổ truyền, nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất hiện đại, quy mô lớn và bền vững.

anhbaichinh67.jpg
Trồng rau trong nhà lưới là mô hình đang được nhân rộng. Ảnh: Quang Vinh.

Thành công đến từ chuyển đổi ý thức

Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp Việt Nam ngày càng thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải, thích ứng và đồng thích ứng với BĐKH. Theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.”

Phát biểu tại lễ khai mạc Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, với chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, nhiều thập niên về trước “chạy gạo từng bữa” từng là nỗi lo toan thường nhật. Giờ đây, cây lúa đã mở ra con đường lớn, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng, và cả chất lượng.

Tuy nhiên, ông Hoan cũng cảnh báo về những thách thức của BĐKH, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Từ đó, đòi hỏi chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững. “Không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành. Quyền lợi và trách nhiệm của người trồng lúa Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và là một phần không thể tách rời với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo toàn cầu” - ông Hoan nói.

Không chỉ là chiến lược và quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của Bộ NNPTNT về việc phát triển nông nghiệp xanh, bên vững, mà người nông dân, DN trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã chuyển đổi tư duy.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ một thời người tiêu dùng lo lắng về an toàn thực phẩm, khi mà cây trồng thì dùng quá nhiều phân hóa học, vật nuôi thì lại “bị nhồi” thức ăn tăng trọng. Từ đó, dấy lên những lo ngại về sức khỏe. Người tiêu dùng còn lo ngại hơn khi biết rằng có những hộ nông dân đã “áp dụng” với rau thì trồng 2 khoảnh: khoảnh không sử dụng hóa chất thì để lại cho gia đình dùng. Khoảnh sử dụng hóa chất trừ sâu thì mang bán. Chăn nuôi cũng tương tự khiến nhiều người phải lặn lội về các vùng quê để đặt mua “gà thể thao”, “gà chạy bộ” thay vì mua gà nuôi bằng cám tăng trọng lớn nhanh như thổi...

Nay, điều đó đã khác. Sự chuyển đổi ý thức của người nông dân đã góp phần rất quan trọng trong chuyển đổi nền nông nghiệp, “xanh hóa” nền nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã có mặt ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có những thị trường rất khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ.

Cơ hội và thách thức

Chính phủ đã ban hành Quyết định 1684 ngày 30/9/2015 về việc phê duyệt chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, trong đó Việt Nam thể hiện quyết tâm hội nhập, mở cửa và tuân thủ các cam kết quốc tế. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân và xuất khẩu.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu; nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng góp phần cải thiện cán cân thương mại. Giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 48,7 tỷ USD năm 2021 và đạt 53,22 tỷ USD trong năm 2022.

Cơ hội là rất lớn với nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên đi kèm những thách thức. Trước hết, đó là sự cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, đây là áp lực lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường. Nông sản trong nước buộc phải cạnh tranh với sản phẩm của các DN FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm.

Cùng đó, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu ngày càng cao. Các quốc gia và người tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải carbon. Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn; trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản.

Ngoài ra, nông sản Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội.

Theo bà Hà Thị Ngọc Niềm (Đại học An Giang), việc tham gia các FTA thế hệ mới đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam tiến vào các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, cùng đó là thách thức. Với EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với 28 quốc gia thành viên EU), thị trường nhập khẩu yêu cầu khắt khe về quy tắc nguồn gốc xuất xứ, trong đó có nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu. Trong khi công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển nên phần lớn nguồn nguyên, phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu đều phải nhập khẩu. Hơn nữa, các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của EU cũng không dễ đáp ứng.

Muốn làm được, các DN phải điều chỉnh hoạt động sản xuất hoặc phương pháp sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến... dẫn tới chi phí gia tăng, tạo áp lực về tài chính. Ngoài ra, nhiều DN xuất khẩu nông sản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thông tin cập nhật. Vì thế thời gian các DN có được để đáp ứng các yêu cầu về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch bị giảm đáng kể, dẫn đến tăng chi phí hoặc có thể hạn chế khả năng xuất khẩu.

Bà Niềm cũng cho rằng, vấn đề sở hữu trí tuệ là yêu cầu hàng đầu của EU. Trong khi đó tại Việt Nam, hiện tượng xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ vẫn nhiều, mà một trong những nguyên nhân là do các DN chưa quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu của mình...

Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp thân thiện với con người và môi trường; hướng tới việc tái sử dụng chất thải hữu cơ từ sản xuất, bảo vệ tài nguyên, hệ sinh thái chung. Nông nghiệp xanh áp dụng đồng bộ các quy trình, xử lí, tái sử dụng được chất thải hữu cơ từ sản xuất nông nghiệp; tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có trong tự nhiên. Nông nghiệp xanh còn được hiểu là nông nghiệp hữu cơ, tức là tạo ra nguồn thực phẩm hữu cơ không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất.

Nhóm phóng viên