Indonesia tạm dừng kế hoạch 'thả muỗi'
Kế hoạch thả muỗi chống sốt xuất huyết của chính phủ Indonesia đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương cũng như giới chuyên gia ở đảo Bali.
Đầu tháng 11, chính phủ Indonesia đã đề xuất kế hoạch thả 200 triệu con muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia ở đảo Bali, nhằm đánh giá khả năng ngăn chặn dịch sốt xuất huyết.
Kế hoạch này thả thí điểm muỗi vằn Aedes aegypti đã được tiêm vi khuẩn Wolbachia, một loại vi khuẩn tồn tại trong 60% các loài côn trùng và đã được chứng minh có thể ngăn chặn sự phát triển của các loại virus gây bệnh sốt xuất huyết, Zika và sốt vàng da bên trong muỗi. Vi khuẩn này sẽ giảm khả năng truyền virus sang người của muỗi.
Ngoài đảo Bali, 4 thành phố Semarang, Bandung, Jakarta và Kupang cùng nằm trong kế hoạch này.
Tuy nhiên, kế hoạch thả muỗi đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương cũng như giới chuyên gia ở đảo Bali. Nhà khoa học người Indonesia hiện sống ở Bali, ông Richard Claproth, nói rằng việc đó có thể gây nên rối loạn xã hội và kiện tụng tập thể.
Trước quá nhiều phản đối, Bộ Y tế Indonesia đã phải ra thông báo kế hoạch tạm dừng vô thời hạn. Người phát ngôn của Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết, kế hoạch “thả muỗi” là một phần trong sáng kiến chung của Chương trình Muỗi thế giới - một tổ chức phi chính phủ phối hợp với Đại học Monash ở Australia và Đại học Gadjah Mada (Indonesia).
Vào năm 2021, cũng nhằm chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết, nhiều nghiên cứu khoa học đã được tiến hành ở Indonesia. Kết quả của một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy: tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã giảm 77% tại các khu vực của Yogyakarta, Indonesia, nơi có muỗi mang vi khuẩn Wolbachia.
Có được kết quả đó là nhờ vào cuộc thử nghiệm “Ứng dụng vi khuẩn Wolbachia để loại trừ bệnh sốt xuất huyết” (AWED). Dự án được triển khai với mục đích thử nghiệm hiệu quả của việc đưa vi khuẩn Wolbachia vào quần thể muỗi Aedes aegypti tại địa phương, thông qua việc thả muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở những người từ 3 - 45 tuổi sống tại Yogyakarta, Indonesia.
Nếu như kết quả nêu trên là đúng thì việc “thả muỗi” để diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là có hiệu quả, trong khi Indonesia là nơi có tỷ lệ nhiễm sốt xuất huyết cao. Các ước tính gần đây cho thấy, có gần 8 triệu ca nhiễm virus mỗi năm.
Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm chỉ được tiến hành trong một cộng đồng nhỏ nên đã không thuyết phục được số đông.