Nữ điều dưỡng tâm huyết
Nếu xem công tác cứu chữa bệnh nhân là một cuộc chiến thì chắc hẳn các khoa cấp cứu tại mỗi bệnh viện sẽ là “tiền tuyến”, bởi đây luôn là nơi đầu tiên đón bệnh nhân với các chủng loại bệnh đa dạng và đủ các cấp bậc về tình trạng sức khỏe.
Bởi vậy mà không khí tại các khoa cấp cứu lúc nào cũng “nóng”, các bác sĩ, các điều dưỡng tại đây luôn cần thao tác, làm việc một cách nhanh nhất, chuẩn xác nhất và quyết đoán nhất vì tính mạng của các bệnh nhân nơi đây có thể chỉ được tính bằng phút.
Tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Xanh Pôn), trong những phút hiếm hoi, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng điều dưỡng Đỗ Thị Ngọc Ánh, một điều dưỡng có biệt danh đặc biệt: “Điều dưỡng nội trú”.
Khi được hỏi về biệt danh này, chị Ánh cho biết: Từ sau dịch Covid-19 đến nay, lượng bệnh nhân tại khoa Cấp cứu chúng tôi tăng dần, từ 150 đến nay trung bình là 200 bệnh nhân/ngày. Có những ngày đỉnh điểm 270 bệnh nhân/ngày khi dịch sốt xuất huyết bùng phát. Hiện nay, trời chuyển sang rét lạnh, bệnh nhân vào viện cũng đông. Hiện tại lượng bệnh nhân rất đông mà nhân lực theo mong muốn đề xuất của khoa vẫn chưa thể đủ được. Khoa Cấp cứu hiện chỉ có 6 điều dưỡng nên chúng tôi phải đảm nhiệm tất cả các vị trí trong khoa. Bất kể ngày trực hay không tôi đều có mặt ở bệnh viện, nên thường được mọi người đặt biệt danh là “điều dưỡng nội trú”. Cuốn vào công việc nhiều nên tôi cũng không có thời gian nghỉ ngơi.
Chị Ánh chia sẻ, có rất ít thời gian dành cho gia đình, con nhỏ. Có những lần hiếm hoi về nhà thì con đã ngủ, sáng bé chưa dậy mẹ đã đi làm rồi. Có lúc đi làm, khép cửa phòng lại là con biết, dậy khóc thét lên. Trên đường đi làm cứ văng vẳng bên tai tiếng con khóc, chị cũng rơm rớm nước mắt.
Chỉ với 6 điều dưỡng để thực hiện công tác hỗ trợ các bác sĩ cứu chữa trung bình 200 bệnh nhân/ngày, đó là khối lượng công việc mà chị Ánh và các đồng nghiệp đang thực hiện. Và trên khắp đất nước, tại các khoa cấp cứu của các bệnh viện, hầu hết các nhân viên y tế đã và đang đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ để cứu chữa bệnh nhân. Chắc hẳn, chỉ có lòng yêu nghề cháy bỏng, hết lòng vì bệnh nhân mới là động lực chính cho họ tiếp tục thực hiện chức trách của mình.
“Ở khoa Cấp cứu, quan trọng nhất là tác phong phải thật nhanh và chính xác. Có những bệnh nhân đột quỵ vào là phải làm ngay lập tức, mọi công tác chuẩn bị để đưa bệnh nhân đi chụp chiếu phải trong vòng 15 phút để bác sĩ có thể đưa ra chỉ định tiêu sợi huyết cho bệnh nhân. Thời gian ở khoa được tính bằng giây bằng phút. Có những khi bệnh nhân đông quá, áp lực và quá tải, không riêng ai đâu mà rất nhiều điều dưỡng đều như vậy, nhưng tôi lại gạt ra để nghĩ tới những điều tích cực hơn, đó là cứu được người bệnh, mỗi lần thấy bệnh nhân hồi phục là tôi lại có thêm động lực để tiếp tục công việc” – chị Ánh tâm sự.