Nhà giáo cần đồng hành để học sinh có những giá trị tốt đẹp
Vụ việc nhóm học sinh lớp 7 xúc phạm, bạo hành cô giáo khiến nhiều người băn khoăn về văn hóa ứng xử học đường hiện nay.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trao đổi với PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội xung quanh vấn đề này.
PV: Theo ông, nguyên nhân nào khiến học sinh có hành vi phản cảm, bạo lực với giáo viên?
PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi cho rằng, hiện nay, vai trò và vị thế của giáo viên đã thay đổi. Trước đây, khi thầy, cô giáo dạy dỗ học sinh, theo đúng quan điểm truyền thống là người thầy giúp chúng ta có cả một sự nghiệp, là trung tâm của tri thức và người thầy giỏi giúp học trò giỏi, trợ lực để học trò vững bước trên đường đời.
Thế nhưng, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra hiện nay, người thầy không còn là trung tâm của tri thức nữa bởi tất cả các nguồn tri thức và học liệu đều có thể tìm thấy trên mạng, người học có thể tự tìm kiếm. Thậm chí, nếu chịu bỏ thời gian tìm kiếm, học tập, người học còn có thế tìm hiểu được nhiều tri thức hơn cả các thầy cô giáo.
Do vậy, hiện nay người thầy không còn là trung tâm truyền đạt tri thức mà trở thành người truyền cảm hứng học tập, một người dạy học trò những phương pháp tự học để biến mình thành người học suốt đời.
Dễ nhận thấy, vai trò của người thầy trong bối cảnh hiện tại là đồng hành, nhưng cũng là người định hướng về mặt nhân cách, dạy cho con cái của chúng ta biết cách sống, biết tôn trọng những giá trị tốt đẹp. Dường như xã hội chưa chú ý đến khía cạnh này. Dường như đa phần đều cho rằng đó là điều không cần dạy, con cái chúng tôi đương nhiên là có nhân cách tốt đẹp mà quên đi rằng đó là công sức rất lớn của các thầy, cô giáo.
Đương nhiên, để trở thành một biểu tượng “dạy người”, bản thân người thầy cũng phải là một tấm gương mẫu mực. Dưới hiệu ứng của mạng xã hội như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng bản thân người giáo viên chưa xứng đáng truyền cảm hứng hay để dạy con họ về mặt nhân cách.
Như vậy, một phần nguyên nhân dẫn tới vụ việc nói trên xảy ra là do vị thế của thầy, cô giáo đã bị giảm sút. Vậy còn ở chiều ngược lại? Hay nói cách khác, hiện nay, trẻ em thông minh hơn, được phát triển trong xã hội hiện đại hơn, đầy đủ hơn cả về vật chất và tinh thần nhưng dường như cũng đang “hư” hơn?
- Có những yếu tố thuộc về tâm lý của lứa tuổi gen Z và gen Alpha và cách thức chúng ta đang định hướng cho các em.
Chúng ta có rất nhiều tiến bộ trong việc bảo vệ quyền trẻ em, chúng ta tuyên truyền cho trẻ về quyền của các em. Thế nhưng chúng ta chỉ tuyên truyền về quyền mà chưa chú trọng đến tuyên truyền cho các em về nghĩa vụ. Quyền và nghĩa vụ cần phải được giáo dục một cách song song.
Chúng ta cũng thấy rằng, hiện nay, các em có thể tự tìm kiếm tri thức. Các em là những người sinh ra vốn là công dân số. Do đó thao tác, khả năng học hỏi của các em ở trên thế giới mạng rất nhanh. Nếu giáo viên vẫn dạy về mặt nội dung, mà không chuyển sang tiếp cận dạy về năng lực, thì không thể nào đóng vai trò làm người dẫn dắt, truyền cảm hứng. Đồng thời, không thể nào thực hiện được nhiệm vụ giáo dục phát triển toàn diện.
Thực tế, hiện tại, rất cần có sự hợp tác của 3 bên, đó là gia đình – nhà trường – xã hội để giáo dục một đứa trẻ.
Thế nhưng, một thực tế cũng cần phải thừa nhận là việc triển khai được sự hợp tác này là rất khỏ bởi các bậc phụ huynh ngày càng bận rộn hơn, bị áp lực kinh tế nhiều hơn. Trong khi đó, kể cả các thầy cô có cố gắng để dạy cho con cái chúng ta thành người tốt thì chỉ một mình người thầy cũng khó đạt được mục tiêu này với 1 - 2 tiết học mỗi tuần về những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Vụ việc cá biệt nói trên, giáo viên là nạn nhân. Thế nhưng nếu đặt trong bối cảnh lớn hơn có thể thấy, chỉ trong vài năm trở lại đây, hàng loạt các vụ bạo lực học đường đã xảy ra với tần suất ngày một cao hơn. Làm sao để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng này, thưa ông?
- Ở môi trường học đường, trong khoảng thời gian ngắn, có nhiều vụ bạo lực học đường. Nhà trường chưa chú trọng đến an toàn về thể chất hoặc tâm lý cho trẻ. Chúng ta ý thức được cần bắt tay giữa 3 bên, nhưng thực tế, còn khó để đáp ứng.
Vụ việc tại Tuyên Quang vừa qua không phổ biến, nhưng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Quan trọng nhất là dạy trẻ làm người, nhất là làm người tốt. Dạy để trẻ chung sống với những người khác, có giá trị tốt đẹp, yêu thương, hợp tác, đoàn kết. Đó là nội dung chính mà giáo viên cần giúp người học đạt được.
Đồng thời, hành vi không đúng mực của trẻ cần được hiểu, rằng có thể đằng sau đó, trẻ bị áp lực. Trước hết, cha mẹ cần xem mình đã trở thành tấm gương tốt chưa. Bản thân cha mẹ phải là người đồng hành để hiểu tâm lý của con. Cha mẹ cần là tấm gương tốt, giáo dục hành vi tốt.
Trân trọng cảm ơn ông!