TP Hồ Chí Minh: Mặt trận và Công an phối hợp thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc
Chiều 25/12, Ủy ban MTTQ TP HCM phối hợp với Công an TP HCM tổ chức hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Tại hội nghị, các bên cũng ký kết chương trình phối hợp nhằm “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” giai đoạn 2023-2033 trên địa bàn thành phố.
Thống kê của Ban tổ chức Hội nghị, trên địa bàn TP HCM có tổng 42 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó, lực lượng Công an TP HCM đang trực tiếp duy trì 19 mô hình, có 8 mô hình đang hoạt động hiệu quả. Điển hình nhất trong số đó là Mô hình camera giám sát tình hình an ninh trật tự.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 4.258 đầu thu với hơn 30 ngàn mắt camera được triển khai trên khắp địa bàn thành phố. Qua đó, đã giúp công an trích xuất khám phá nhiều vụ và bắt được nhiều đối tượng, giải quyết nhiều vụ gây rối tình hình an ninh trật tự, có tác dụng phòng ngừa, truy bắt tội phạm.
Mô hình Lực lượng Công an quận, huyện ra quân giúp dân tiếp cận các tiện ích của công nghệ 4.0 thực hiện dịch vụ công và tố giác tội phạm đã được triển khai tại 10/22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Với mô hình này, lực lượng công an ứng dụng tiện ích căn cước công dân phục vụ công tác quản lý cư trú và phòng chống tội phạm tại chung cư cao tầng trên địa bàn quận, huyện để phát hiện các đối tượng truy nã, quản lý người cư trú ở các chung cư, khu dân cư. Qua đó giúp người dân chủ động tham gia phòng chống tội phạm, hỗ trợ công an truy bắt tội phạm, đồng thời cung cấp cho cơ quan công an nhiều thông tin liên quan đến an ninh trật tự.
Đối với hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã phát huy sức mạnh của khối Đại đoàn kết dân tộc trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, với 22 loại mô hình, giải pháp được phát động thực hiện, trong đó 10 mô hình đang có hiệu quả, cụ thể như: Mô hình “5+1” (MTTQ và các đoàn thể) nhằm tổ chức quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người sai phạm tại cộng đồng dân cư trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Mô hình “Câu lạc bộ gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội” (Hội LHPN); Mô hình Hội Người cao tuổi phối hợp với cơ sở tôn giáo phòng, chống tội phạm; Mô hình Câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ; Mô hình “Đội hình thanh niên xung kích phòng, chống tội phạm tại phường, xã, thị trấn”; Mô hình Tổ cán sự xã hội tình nguyện của Hội CCB; Mô hình Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ (LĐLĐ các cấp); Mô hình Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin” của Đoàn thanh niên; Mô hình Nhà trọ sinh viên tự quản,…
Tại hội nghị, Ủy ban MTTQ TP HCM phối hợp Công an thành phố và các tổ chức thành viên ký kết chương trình phối hợp “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, giai đoạn 2023-2033 trên địa bàn Thành phố với các nội dung chủ yếu như: phối hợp định hướng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, xây dựng, củng cố thế trận an ninh Nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Trao đổi về chương trình ký kết này, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM cho rằng, việc ký kết chương trình phối hợp không chỉ nhấn mạnh vai trò của Công an thành phố và MTTQ Việt Nam thành phố, mà còn đòi hỏi sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức thành viên.
“Những mặt tích cực, những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong thời gian vừa qua sẽ tiếp tục được phát huy để làm sao huy động sức mạnh toàn dân, phát huy được vai trò của tầng lớp nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn thành phố", Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM mong muốn.