Làng hoa Đông Cương nằm ở xã Đông Cương (TP Thanh Hoá), được xem là ‘vựa’ hoa lớn nhất tỉnh. Cả xã có hơn 200 hộ trồng hoa với hơn 100 ha chuyên canh, gồm 100 chủng loại hoa cung ứng cho thị trường. Ảnh: Đình Minh. Khoảng 20 năm trước, cây hoa bắt đầu được trồng bởi một số hộ dân thôn Đại Khối rồi dần lan ra các thôn khác. Ảnh: Đình Minh. Ban đầu, người dân chủ yếu chỉ trồng hoa cúc, sau đó các giống hoa được nhập về đa dạng hơn như hoa hồng, hoa lay ơn, huệ và các giống cây cảnh. Ảnh: Đình Minh. Làng hoa Đông Cương được trồng quanh năm, thế nhưng để có lứa hoa phục vụ cho dịp Tết, khoảng vào tháng 10 âm lịch hằng năm, người trồng hoa sẽ đồng loạt xuống giống, gieo trồng. Càng vào những ngày giáp Tết, bà con nơi đây lại ăn ngủ cùng hoa. Ảnh: Đình Minh. Trong không khí lao động tất bật, chị Lê Thi Oạnh (trú thôn Đại Khối) cho biết, đã xuống giống gần 1 mẫu hoa cúc vàng. Theo chị Oanh, với giá bán quanh năm (trừ dịp giáp Tết âm lịch) là vào khoảng 2.000đ/bông, hoa cứ đến kỳ thu hoạch là có thương lái đến tận vườn để lấy. Ảnh: Đình Minh. ‘Giá hoa cúc dịp Tết tôi bán tại vườn khoảng 3.000đ/bông. Sau khi bán nốt lứa hoa này, tôi sẽ trồng hoa mới tại đây luôn. Chỉ cần chăm sóc tốt, bật đèn sưởi ấm đầy đủ là hoa vẫn kịp lớn để bán vụ Tết âm lịch. Như gia đình tôi, sau khi trừ hết chi phí phân bón rồi thuốc trừ sâu, theo ước tính, mỗi năm có thể thu về hơn 150 triệu đồng từ việc trồng hoa này”, chị Oanh nói. Ảnh: Đình Minh. Theo người trồng hoa ở Đông Cương, năm nay, thời tiết có biến động nhẹ khi có rét đậm rét hại. Ảnh: Đình Minh. Dù vậy, với kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc hoa, người dân làng hoa vẫn tự tin cho ra thị trường những sản phẩm hoa tươi đẹp nhất, nở đúng dịp Tết Nguyên đán và đầu xuân. Ảnh: Đình Minh. Ông Lê Đình Minh (trú khu phố 5) cho biết, một trong những kỹ thuật khi chăm sóc hoa là là phải sử dụng đèn chiếu sáng vào buổi tối để kích thích cây non phát triển chiều cao, không ra nụ sớm. Ảnh: Đình Minh. "Chăm sóc cho đến tháng 11 âm lịch, bắt đầu ngắt điện để cây ra nụ và tiến hành chọn nụ, mỗi cành chỉ giữ lại một nụ để hoa được đẹp, đều và to. Hoa cúc sẽ bắt đầu nở từ ngày 20 tháng Chạp để cùng khoe sắc với các loài hoa khác trong dịp Tết", ông Minh chia sẻ. Ảnh: Đình Minh. Theo người dân trồng hoa, vấn đề được họ quan tâm nhất hiện nay là hoa ở Đà Lạt được nhập về rất nhiều, cạnh tranh gay gắt về giá cả với hoa trong làng. Ảnh: Đình Minh. Tuy nhiên, ‘vựa hoa’ Đông Cương vẫn có lợi thế lớn khi là hoa được bán tại vườn, còn tươi tốt, trong khi hoa ở Đà Lạt được nhập về bằng xe tải, phải bọc kỹ càng phải để ở nhiệt độ thấp để hoa không bị héo úa. Ảnh: Đình Minh. Người dân làng hoa Đông Cương nhổ cây giống đã ươm sẵn để trồng tại thửa đất đã cày bừa, chuẩn bị cho dịp Tết âm lịch. Ảnh: Đình Minh. Nước được tưới mỗi ngày để cung cấp đủ độ ẩm cho cây hoa phát triển. Ảnh: Đình Minh. Theo thống kê, trung bình mỗi vụ, người nông dân ở làng hoa Đông Cương có thể thu được từ 20-30 triệu đồng, thậm chí có gia đình thu về cả trăm triệu đồng từ nghề trồng hoa bán Tết. Ảnh: Đình Minh. Phát huy lợi thế này, chính quyền phường Đông Cương đang tích cực kêu gọi người dân mở rộng diện tích đất để trồng hoa, biến nơi đây thành vựa hoa không chỉ cung cấp trong tỉnh mà còn đưa ra các khu vực lân cận. Ảnh: Đình Minh.
Đình Minh - Thu Hồng