Vùng biên Cao Bằng nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Hầu hết các xã vùng biên Cao Bằng có địa hình rất hiểm trở, người dân sinh sống phân tán nên việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng là rất khó khăn. Chính vì vậy, chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) giúp thay đổi đời sống của người dân.
Do các xã dọc theo biên giới của tỉnh Cao Bằng tuy có điều kiện tự nhiên núi cao, địa hình chia cắt nên công tác xây dựng NTM nói chung gặp nhiều khó khăn cả về nguồn lực tài chính hỗ trợ và sức đóng góp của người dân là rất hạn chế. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, công tác xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả, qua đó, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Theo số liệu của Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Cao Bằng, nhờ nỗ lực của các cấp từ Trung ương tới tỉnh, huyện quan tâm phân bổ nguồn lực đầu tư, số tiêu chí đạt chuẩn NTM vào khoảng 11/19 tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng về giao thông. Đây là bàn đạp thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo thuận tiện cho người dân đi lại, góp phần thúc đẩy vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn phát triển; từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, điện sản xuất, sinh hoạt, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục làm đổi thay diện mạo nông thôn. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần, công tác chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn được cải thiện, nâng cao.
Tỉnh Cao Bằng đã giao cho 70 sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương xây dựng NTM, chú trọng đến các xã thuận lợi đang tập trung về đích NTM và xã ở địa bàn khó khăn, biên giới. Các đơn vị huy động kinh phí hỗ trợ các xã về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nhà ở dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong đó có những phong trào như “Bộ đội Biên phòng Cao Bằng chung sức xây dựng NTM” giúp các xã biên giới cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng trên toàn tỉnh Cao Bằng tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức trong xây dựng NTM; huy động nguồn lực thực hiện các chương trình: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng chuồng chăn nuôi, di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở.
Tỉnh Cao Bằng thực hiện phương châm “dân biết, dân cần, dân làm, dân hưởng thụ”, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Qua tuyên truyền, vận động, người dân tích cực hiến hàng trăm ngàn m2 đất và ngày công lao động. Nhiều cá nhân hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa, sân vận động, ví dụ như gia đình ông Hoàng Thanh Tâm ở xóm Nà Giới, xã Đức Long (huyện Thạch An) hiến 1.450 m2 đất mở đường nội đồng; đến năm 2017 đã tiếp tục hiến thêm 4.100 m2 đất xây dựng sân vận động xã.
Ông Mông Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Quang Long (huyện Hạ Lang) cho biết, nhờ có sự quan tâm đầu tư, cùng các chương trình của Đồn Biên phòng Quang Long hỗ trợ người nuôi bò, sản xuất nông nghiệp, tuyên truyền phổ biến pháp luật… Bà con đã hiểu được những chính sách của nhà nước, sẵn sàng hiến cả ngàn m2 đất cho xây dựng NTM. Chính vì thế, đến nay đường đến trung tâm các xóm và cả các bản vùng cao giáp biên đã được bê tông hóa.
Tâm lý chung của những người dân hiến đất là tự hào vì đã đóng góp một phần tài sản của gia đình, cùng nhà nước, cùng mọi người xây dựng nông thôn mới. Họ hiểu được việc kinh tế của nhân dân nơi mình sống được nâng lên thì tương lai con cháu của họ mới thay đổi được.