Sân khấu Việt “khát” tài năng trẻ
Nghệ thuật sân khấu Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng thiếu vắng nghệ sĩ trẻ tài năng. Ngày nay, nhiều người trẻ có năng khiếu lại không có đam mê với nghệ thuật biểu diễn.
Chật vật tuyển sinh
Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ tài năng sau khi được trải qua trường lớp lại không thể theo nghề mà phải chuyển sang hướng khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sân khấu ngày càng kém hấp dẫn khán giả.
PGS.TS Trần Trí Trắc - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật (Hội Sân khấu Hà Nội) cho rằng, nghệ thuật sân khấu không thể thiếu nghệ sĩ. Nghệ sĩ là thành tố đầu tiên quan trọng bậc nhất của nghệ thuật sân khấu. Cùng với đó, nghệ thuật sân khấu cũng không thể thiếu tài năng trẻ.
Tuy nhiên, khi nói về thực trạng của nghệ sĩ trẻ với nghệ thuật sân khấu hiện nay, ông Trắc không khỏi lo lắng: “Nghệ sĩ trẻ tài năng của nghệ thuật sân khấu ngày càng vắng. Lớp trẻ có năng khiếu nghệ thuật biểu diễn đã không còn đam mê với nghệ thuật biểu diễn, không nộp hồ sơ dự thi vào các trường đào tạo chuyên nghiệp nữa. Nhiều nghệ sĩ tài năng sân khấu, sau khi ra trường đã từ biệt nghề tổ để sang nghề khác kiếm sống. Mặt khác, số nghệ sĩ tài năng trẻ còn trụ lại với sân khấu và đạt được Huy chương Vàng trong các hội thi cũng không được đảm bảo để phát triển thành ngôi sao sáng.”
Điều đó được thể hiện rõ tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc năm 2023. Tại cuộc thi này, có 73 diễn viên của 14 đơn vị với 63 trích đoạn mà kết quả chỉ có 17 nghệ sĩ đoạt giải Nhất, hoặc cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Kịch nói chỉ có 7 giải Nhất, Múa rối có 2 giải Nhất, Cải lương có 7 giải Nhất… Theo đánh giá của các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, số lượng giải quá ít so với toàn bộ lực lượng nghệ sĩ của cả nước.
Nhận định về thực trạng này, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho rằng, sân khấu đang phải đối mặt với bài toán khủng hoảng diễn viên trẻ, nhất là diễn viên tài năng. Lớp trẻ bây giờ không thể hát được như các thế hệ trước. Cũng bởi thế nên tự thân họ đã làm mất mát đi cái tinh túy của nghề.
Còn theo tác giả Nguyễn Toàn Thắng (Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống), nghệ sĩ trẻ luôn phải là trung tâm của mọi hoạt động sân khấu. Khán giả đến rạp xem là bởi họ hâm mộ những đào kép có sắc có thanh, không mấy khi đến rạp để xem những cái cũ kỹ của nghệ sĩ già suốt cả một vở diễn, dù cho nghệ sĩ lão làng có xuất sắc đến đâu, tất nhiên trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Nhiều chuyên gia, nghệ sĩ cho rằng, hầu hết các cơ sở đào tạo vẫn ở tình trạng thiếu người học ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy còn nặng về lý thuyết mà xem nhẹ thực hành. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ sở đào tạo chật vật trong tuyển sinh hiện nay.
Nghệ sĩ cần phải sống được với nghề
Trước thực trạng lực lượng nghệ sĩ trẻ ngày càng thiếu và yếu, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thích hợp đối với nghệ sĩ trẻ biểu diễn trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống để thu hút tài năng và giúp họ có thể sống được bằng nghề. Cùng với đó, cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Các nhà hát cũng cần chủ động thay đổi cách thức quản lý, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, xây dựng những kịch bản, nhân vật phù hợp với nghệ sĩ trẻ…
NSND Bùi Thanh Trầm cho rằng, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là một yêu cầu cấp thiết. Để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với những tài năng nghệ thuật, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó có vai trò tiên phong của các cơ sở đào tạo. Phải tạo được sức hút (từ cơ chế, chính sách, môi trường học tập, uy tín, thương hiệu của nhà trường…) để trao cơ hội và đánh thức niềm đam mê, sáng tạo của thế hệ trẻ. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự thành công của công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.
Đồng quan điểm, tác giả Phạm Ngọc Dương cho rằng, cần có chính sách đãi ngộ hơn nữa với những nghệ sĩ trẻ nói riêng và nghệ sĩ nói chung. Ngược lại, nghệ sĩ trẻ cũng phải biết nhìn lại mình, hay nói cách khác là phải học cách phân thân thực sự và biến mình thành vế khán giả khi nhìn lại sản phẩm nghệ thuật của chính mình cùng với việc tiếp nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Theo nhà báo, TS Cao Ngọc, sân khấu muốn tồn tại và phát triển, vai trò của các nghệ sĩ trẻ là rất quan trọng. Nghệ nhân xưa truyền tụng câu nhắc nhở “thầy già, con hát trẻ”. Đối với các nghệ sĩ trẻ thì cơ hội được làm nghề là vô cùng quan trọng. Các em dù có năng khiếu đến đâu mà không được tạo điều kiện thì tài năng ấy dần dần cũng bị thui chột. Điều này phụ thuộc khá nhiều vào cách nhìn cũng như quan điểm của những nhà quản lý. Cần có lòng tin và tạo nhiều cơ hội hơn cho nghệ sĩ trẻ.