Căng thẳng nguồn cung cà phê
Không còn tồn kho từ niên vụ cũ, nhiều hợp đồng đã ký nhưng bị thiếu nguồn cung đang chờ tới vụ mới để giao, sản lượng thu hoạch dự báo sụt giảm... là những tín hiệu cho thấy khả năng nguồn cung cà phê có thể lâm vào tình thế căng thẳng thời gian tới.
Thực tế này đang khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê đau đầu. Nói về niên vụ cà phê 2022/2023 vừa qua, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) bày tỏ, đây là niên vụ bất thường. Theo ông Nam, đầu tiên là câu chuyện giá cà phê tăng lên mức cao nhất trong 30 năm qua dẫn tới một sự cố chưa từng xảy ra, đó là đến tháng 6/2023, Việt Nam đã không còn cà phê để xuất khẩu.
Bên cạnh đó là sự sụt giảm liên tiếp của diện tích cà phê ở các địa phương. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho hay, Việt Nam hiện có trên 700.000ha cà phê, thế nhưng theo nhận định của Phó Chủ tịch Vicofa, số liệu thực tế có thể chỉ còn khoảng 600.000ha và đang tiếp tục bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây ăn quả khác như bơ, sầu riêng… có lợi nhuận cao hơn. “Hiện 1ha cà phê của Việt Nam cho lợi nhuận 100-200 triệu đồng/năm, nhưng nếu trồng bơ thì lợi nhuận có thể đạt tới 1-1,5 tỷ đồng, nên người nông dân có xu hướng lựa chọn những cây trồng cho giá trị cao hơn” – ông Nam cho hay.
Thực tế thời gian qua cho thấy, giá cà phê biến động khó lường đã gây ra một chuỗi khó khăn đối với các nhà xuất khẩu. Niên vụ 2022/2023 đã xảy ra sự cố là một số nhà cung ứng nội địa không giao hàng đúng hợp đồng do giá tăng cao và bản thân các nhà cung ứng cũng không mua được hàng, thậm chí bị găm hàng, bị hủy hợp đồng. “Từ tháng 6 đến tháng 10, các DN gần như vỡ trận vì không có hàng giao theo hợp đồng. Đây là điều rất bất thường vì ngành cà phê Việt Nam vốn được đánh giá là có uy tín rất cao với các đối tác mua hàng. Trong 30 năm qua chưa bao giờ chúng tôi nghĩ Việt Nam có thể thiếu hàng” – ông Nam nói. Thậm chí, trong năm vừa qua, Việt Nam đã phải nhập khẩu gần 100.000 tấn cà phê từ Brazil, Indonesia để trả nợ cho các hợp đồng. Đây là điều này chưa từng có trong lịch sử của ngành cà phê Việt Nam.
Trong tháng 11/2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 200.000 tấn cà phê nhưng Vicofa ước tính một nửa trong số này là để trả nợ cho vụ cũ.
Đánh giá về niên vụ 2023/2024, Vicofa dự báo sản lượng có thể giảm từ 5-10%, tương ứng mức sản lượng chỉ đạt khoảng 1,6 – 1,7 triệu tấn và sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 1,4 triệu tấn.
Trong bối cảnh nguồn cung căng thẳng, ngành cà phê Việt Nam cũng đang tập trung nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là việc đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR của EU. Hiện các nhà rang xay lớn của thế giới như JDE, Nestle, Tchibo… đang phối hợp với các chính phủ, tổ chức quốc tế, DN… để xây dựng các chương trình cà phê bền vững cũng như cam kết tăng mạnh sản lượng cà phê có chứng nhận trong các năm tới.
Giới chuyên gia trong ngành cho hay, đối với quy định của Nghị viện châu Âu về chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), Việt Nam là một trong những nước tham gia tích cực nhất trong việc thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo vệ thiên nhiên. Ngay từ tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc họp với các địa phương, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ để bàn bạc tìm ra lộ trình để thực hiện theo EUDR.
Theo ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, nhìn một cách tích cực, đây là động lực để ngành cà phê Việt Nam có những thay đổi, cải tiến để theo kịp xu thế chung của các thị trường xuất khẩu lớn. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, sẽ tạo tiền đề để duy trì vị thế dẫn đầu của Việt Nam, không chỉ về sản lượng, xuất khẩu, mà còn về chất lượng và quy mô của toàn ngành.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, tính từ sau năm 2000 Việt Nam chỉ có 220ha bị ảnh hưởng bởi vấn đề truy xuất nguồn gốc liên quan đến phá rừng. Do đó, ảnh hưởng của cà phê Việt Nam đối với vấn đề chống phá rừng là rất nhỏ. Với sự vào cuộc của Chính phủ, các chuyên gia trong ngành bày tỏ kỳ vọng, việc đáp ứng quy định của EU không phải là quá khó.