Nhức nhối tiêu cực ngành Đăng kiểm
Ngày 24/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TPHCM thông tin kết quả điều tra mở rộng vụ án liên quan đến lĩnh vực Đăng kiểm thủy nội địa tại TPHCM và một số địa phương, trong đó đã ban hành các quyết định khởi tố, khám xét, áp dụng biện pháp ngăn chặn nhiều bị can có sai phạm, tiêu cực về các tội “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đây là kết quả phối hợp điều tra giữa Công an TPHCM và một số địa phương qua mở rộng điều tra tại nhiều trung tâm, cơ sở đăng kiểm thủy nội địa tại Hải Dương, Quảng Ninh, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp… Đồng thời, kiểm tra hồ sơ cấp đánh giá năng lực cơ sở tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Điều đáng nói, trong số các cá nhân đã bị khởi tố, có 7 bị can là cán bộ và nguyên cán bộ của các Chi cục Đăng kiểm, Phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đây cũng không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng vào cuộc điều tra các tiêu cực trong ngành đăng kiểm. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc Công an TPHCM đã khởi tố 7 vụ án và 229 bị can về hàng loạt tội danh, bao gồm: “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ”, “giả mạo trong công tác”, “sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”, “xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “lừa đảo chiếm đoạt tải sản”.
Có thể nói, “đại án” tiêu cực liên quan đến ngành đăng kiểm tại các trung tâm, cơ sở đăng kiểm trên cả nước đã cho thấy nhiều bất cập, nhất là tình trạng buông lỏng công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Thời gian qua, các tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm đã gây nhiều hệ lụy, tạo ra “cơn khủng hoảng” khi nguồn cung về kiểm định chỉ đáp ứng được trên dưới 50% so với nhu của người dân và các doanh nghiệp vận tải suốt một thời gian dài.
Đáng báo động hơn, nếu không có các giải pháp cả về trước mắt lẫn lâu dài, các bất cập sẽ còn nảy sinh, trong đó người dân và các doanh nghiệp vận tải chính là đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất. Trên thực tế, không chỉ riêng TPHCM “sốt ruột” mà các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương đã tìm nhiều cách để tháo gỡ cho ngành đăng kiểm. Trong đó, song song với sự vào cuộc của cơ quan chức năng các địa phương, tại nhiều buổi tọa đàm về chủ đề tìm giải pháp dài hạn gỡ vướng trong ngành đăng kiểm gần đây, đã chỉ ra thực trạng, hệ lụy và hướng giải pháp với góc nhìn đa chiều từ các doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Tại các chuyên đề này, đa số các tham vấn phản biện đều cho rằng, đã đến lúc cần phải xây dựng các quy chuẩn chặt chẽ hơn để hạn chế tới mức triệt để các tham nhũng, tiêu cực, sai phạm liên quan đến ngành đăng kiểm.