Quốc tế

Kênh đào Panama thiếu nước, thương mại toàn cầu bấp bênh

Hà Anh (theo The Guardian) 26/12/2023 11:33

Đối mặt với tình trạng 'thiếu hụt lượng mưa' chưa từng có, Kênh đào Panama buộc phải hạn chế số lượng tàu thuyền đi qua, khiến thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng ngày càng sâu sắc.

untitled-4.jpg
Tàu chở hàng chờ ở lối vào Kênh đào Panama. Nguồn: AFP.

Trong năm qua, do khu vực Thái Bình dương trải qua tình trạng thiếu hụt lượng mưa, việc đi qua Kênh đào Panama đã chậm lại khiến lượng tàu chở dầu chờ trong vịnh để đi qua kênh đào này ngày càng đông. Giờ đây, với những cảnh báo về tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều, các chuyên gia cho rằng, tác động của việc ách tắc tại Kênh đào Panama có thể được cảm nhận trên toàn thế giới.

Nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, Kênh đào Panama đã cách mạng hóa ngành vận tải toàn cầu khi được khánh thành vào năm 1914, loại bỏ việc phải đi vòng qua mũi phía nam nguy hiểm của Nam Mỹ, rút ngắn hành trình hơn 13.000 km.

Năm 2022, đã có hơn 14.000 tàu đi qua kênh đào, vận chuyển nhiên liệu, ngũ cốc, khoáng sản và hàng hóa từ các nhà máy ở Đông Á đến người tiêu dùng ở New York và xa hơn nữa. Hơn 40% hàng tiêu dùng được giao dịch giữa Đông Bắc Á và bờ biển phía Đông Mỹ được vận chuyển qua kênh đào này.

Để thực hiện cuộc hành trình, những con tàu - có chiếc dài tới 350 mét - đi qua một tuyến đường thủy hẹp và cao hơn 26 mét so với mực nước biển để vào Hồ Gatun nhân tạo thông qua một loạt âu thuyền. Ở phía bên kia của con kênh, quá trình này được đảo ngược và các con tàu đi xuống dưới mực nước biển thông qua một loạt âu thuyền khác trước khi ra khỏi con kênh ở phía bên kia lục địa.

Hệ thống khóa dựa vào nước ngọt từ Hồ Gatun và một hồ chứa khác gần đó để hoạt động. Mỗi con tàu đi qua kênh này sử dụng 200 triệu lít nước, hầu hết sau đó chảy ra biển. Trong khi đó, các nguồn tương tự cũng cung cấp nước cho hơn một nửa trong số 4,3 triệu dân của Panama, buộc các nhà quản lý phải cân bằng nhu cầu vận chuyển quốc tế với nhu cầu của người dân địa phương.

untitled-3-1-.jpg
Kênh đào Panama đang phải đối mặt với tình trạng 'thiếu hụt lượng mưa', khiến tàu thuyền bị hạn chế qua lại. Nguồn: AFP.

Trong nhiều thập kỷ, điều này hiếm khi trở thành một vấn đề bởi Panama là một trong những quốc gia ẩm ướt nhất trên thế giới, kênh đào cũng như các hồ xung quanh nó được thiên nhiên ưu đãi với nguồn nước dồi dào. Tuy nhiên, trong năm 2023, lượng mưa thiếu hụt và trở nên trầm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino, khiến mực nước ở Hồ Gatun giảm xuống.

Nhu cầu kép của kênh đào và người dân địa phương đã khiến hồ phải đối mặt với tình trạng thiếu 3 tỷ lít nước mỗi ngày. Mực nước hồ Gatun hiện gần chạm mức thấp nhất từng được ghi nhận trong mùa mưa, buộc cơ quan quản lý kênh đào Panama phải hạn chế số lượng tàu thuyền qua lại.

Trong thời gian bình thường, Kênh đào Panama có khả năng tiếp nhận 36 tàu mỗi ngày. Nhưng do nước ngày càng khan hiếm nên nhà quản lý kênh đào đã giảm con số đó xuống còn 22. Đến tháng 2/2024, con số này sẽ chỉ còn 18.

Ông Nitin Chopra - cựu thuyền trưởng tàu chở dầu và hiện là cố vấn rủi ro hàng hải cấp cao tại Allianz Commercial Asia - cho biết, tác động đến vận tải biển chưa bao giờ “nghiêm trọng đến thế”.

Những người dựa vào tuyến đường này không có lựa chọn nào tốt hơn, họ có thể đợi tối đa hàng tuần để được phép đi qua kênh, trả tới 4 triệu đô la để tiếp tục xếp hàng, hoặc làm điều mà nhiều công ty vận tải biển đã buộc phải làm là tránh hoàn toàn tuyến đường, nhưng kéo dài hành trình của họ thêm nhiều ngày, thậm chí hàng tuần.

Bất cứ lựa chọn nào cũng đều gây ra tổn thất tài chính nghiêm trọng cho các thương nhân. Một số nhà khai thác đã cảnh báo rằng, do sự chậm trễ, một số hàng hóa được vận chuyển từ Trung Quốc có thể không có sẵn cho những người mua sắm dịp nghỉ lễ cuối năm ở bờ biển phía đông nước Mỹ.

Bên cạnh đó, các cuộc tấn công vào tuyến đường thương mại sầm uất nhất thế giới ở Biển Đỏ đã khiến nhiều công ty tránh Kênh đào Suez, các hạn chế tại Kênh đào Panama sẽ chỉ gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, giống như các chính phủ trên thế giới đang cố gắng kiềm chế lạm phát.

Ông Chopra cho biết: “Về lâu dài, chúng tôi nhận thấy giá hàng hóa sẽ tăng mạnh và nó sẽ được chuyển sang người tiêu dùng”.

Và rủi ro đối với các nhà giao dịch không chỉ là tài chính. Khi số lượng tàu thuyền chờ ở lối vào Kênh đào Panama ngày càng tăng khiến các chuyên gia vận tải biển cảnh báo về nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Ông Chopra cho biết, một số thuyền sẽ phải đợi tới hai tuần, neo đậu trên biển ở cả hai bên kênh trong khi chỗ đang sắp hết, khiến tàu thuyền không thể tìm được nơi neo đậu an toàn.

Hơn thế nữa, các chuyên gia cho rằng, tình hình có thể sẽ còn tồi tệ hơn vào năm tới. Ông Steven Paton – một chuyên gia có 33 năm làm việc tại Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian - cho biết: “Dự kiến từ tháng 3 đến tháng 4 năm sau, mực nước Hồ Gatun có thể đạt mức thấp nhất từng được ghi nhận. Mùa khô ở Panama thường bắt đầu sớm hơn bình thường trong các đợt El Nino lớn, nên chúng ta sẽ phải gánh chịu thiệt hại gấp đôi”.

Cơ quan quản lý kênh đào Panama cho biết, dự đoán này phù hợp với dự báo của họ và họ có thể xem xét các hạn chế tiếp theo đối với tàu thuyền.

Câu hỏi đặt ra cho cơ quan quản lý kênh đào, các nhà kinh doanh toàn cầu và hàng triệu người sống dựa vào trữ lượng của hồ Gatun rằng, liệu tình trạng thiếu nước hiện tại là một cơn bão nhỏ do El Nino gây ra hay là điềm báo về điều tồi tệ nhất mà khí hậu thay đổi có thể báo trước.

Ông Paton cho biết: “Trong lịch sử, trung bình cứ 20 năm lại có một đợt thiếu hụt lượng mưa do các sự kiện El Nino lớn. Trong 26 năm qua, đây là đợt thiếu hụt lượng mưa lớn thứ ba. Vì vậy, có vẻ như có điều gì đó đang thay đổi mô hình lượng mưa của chúng ta”.

Theo các chuyên gia, các công trình kiến trúc như Kênh đào Panama là kỳ quan của thế giới hiện đại, góp phần thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế của thế kỷ 20, nâng cao mức sống trên toàn cầu và mở ra một cuộc cách mạng về công nghệ, chăm sóc sức khỏe và văn hóa tiêu dùng. Nhưng khi mực nước biển dâng cao và nhiệt độ tăng cao, những giả định đó sẽ sụp đổ như những quân cờ domino.

Hà Anh (theo The Guardian)