Tinh hoa Việt

Nhược thị có chữa khỏi không?

HẠNH AN 27/12/2023 05:16

Mắt được gọi là nhược thị khi thị lực chỉ đạt 7/10 và không thể đạt được 10/10 sau khi đã chỉnh kính tối ưu. Có khoảng gần 36% trẻ em bị tật khúc xạ học đường cần điều chỉnh kính.

Cần phát hiện, điều trị sớm

bai-chinh.jpg
Nên đưa trẻ đi khám định kỳ để sớm phát hiện nhược thị.

Tại Việt Nam, theo một thống kê của Trường Đại học Y Hà Nội, khoảng 3 triệu trẻ em bị nhược thị (hay còn gọi là mắt lười). Bác sĩ Nguyễn Thị Mai - Trưởng khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ (Bệnh viện FV) cho biết, bệnh nhược thị ở trẻ thường khó nhận biết bởi trẻ ít khi phàn nàn về thị lực của mình, nhất là các bé bị nhược thị một bên mắt lại càng khó được phát hiện.

Về nguyên nhân gây ra nhược thị, các bác sĩ chuyên khoa mắt chỉ ra một số nguyên nhân.

Thứ nhất, nhược thị do lác: Đây là nguyên nhân hay gặp nhất dẫn đến nhược thị và chỉ xảy ra ở mắt bị lệch trục thường xuyên từ nhỏ (mắt bị lác), sẽ dễ dàng phát hiện khi che mắt không bị lác. Khi nhìn thẳng, hai mắt hướng về hai hướng khác nhau.

Một mắt có thể được tập trung thẳng về phía trước trong khi mắt kia di chuyển vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống phía dưới. Để tránh bị song thị, não bộ của trẻ có thể bỏ qua cảm thụ hình ảnh tiếp nhận từ mắt bị lác. Những điều này làm cho mắt phát triển không bình thường.

Thứ hai, nhược thị do mắc các tật khúc xạ. Trẻ mắc các tật khúc xạ như: Cận thị, viễn thị hoặc loạn thị có thể dẫn đến nhược thị. Loạn thị hoặc viễn thị ở trẻ thường dễ dẫn đến nhược thị hơn cận thị.

Thứ ba, nhược thị do ức chế: Có thể xảy ra ở một mắt hoặc hai mắt khi mắc các bệnh sau: Đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo đục giác mạc, sụp mi nặng, đục dịch kính nặng…

Vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm là trẻ bị nhược thị có chữa khỏi không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai cho biết: Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy vậy, thực tế nhiều trẻ bị nhược thị nhưng bị cha mẹ “bỏ quên”. Ngoài ra, một thực tế khác là hiện nay thiếu cơ sở y tế triển khai dịch vụ điều trị chuyên sâu. Điều này bở lỡ cơ hội phục hồi thị lực cho các bé mắc nhược thị được điều trị trong “giai đoạn vàng”.

Theo bác sĩ Mai, quá trình hình thành và phát triển thị giác của trẻ diễn ra từ lúc sơ sinh cho tới khoảng 12 tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhược thị do lé có thể hồi phục nếu can thiệp điều trị trước 9 tuổi. Nhược thị do bất đồng khúc xạ có thể hồi phục tốt nếu can thiệp điều trị trước 12 tuổi. Trẻ bị nhược thị không được điều trị thì khi trưởng thành có thị lực rất kém.

Hiện nay, việc điều trị nhược thị có nhiều bước, trong đó nổi bật là biện pháp kích thích thị giác, bao gồm các bài tập chuyên biệt với phần mềm tập nhược thị và các bài tập mắt đi kèm, giúp nhiều trẻ nhược thị có được đôi mắt sáng bình thường. Nhiều bệnh nhi thị lực chỉ ở mức dưới 2/10, sau ba tháng kiên trì tập nhược thị thì thị lực của các bé có thể cải thiện lên đến 7-10/10.

Dấu hiệu nhận biết ở trẻ

Đa số trẻ bị nhược thị thường phàn nàn nhìn không rõ chữ trên bảng, hay đi lại gần tivi, không nhớ được người quen và nhiều trường hợp dễ chẩn đoán nhầm với chậm phát triển trí tuệ ở trẻ. Do đó, nếu phụ huynh phát hiện con có các biểu hiện trên thì ngay lập tức phải cho trẻ đi khám bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, đối với những trẻ có biểu hiện lác mắt cần được phát hiện sớm nhược thị.

Cha mẹ cần cho trẻ đi kiểm tra thị lực toàn diện cho con mình vào thời điểm 6 tháng, 3 tuổi và mỗi 3-6 tháng/lần trong năm tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt hoặc ngay khi có các biểu hiện sau:

- Nheo mắt, nghiêng hoặc quay đầu để nhìn rõ hơn

- Cầm đồ vật sát gần mặt

- Che một mắt, hay dụi mắt

- Thường xuyên đau đầu hoặc mỏi mắt

- Khó khăn với việc học ở trường

- Chảy nước mắt

- Chỉ ngón tay trong khi đọc, khó đọc

- Hay bị va vào đồ đạc hoặc ngã nhiều hơn bình thường…

Nhằm giảm nguy cơ mắc các tật khúc xạ dẫn đến nhược thị, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa.
Khi đọc sách hoặc làm công việc đòi hỏi phải nhìn gần và tập trung cao, sau 45 phút cần cho mắt nghỉ ngơi. Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ hạn chế thời gian xem tivi và các trò chơi điện tử, điện thoại, máy tính bảng… Tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời giúp cho mắt nhìn xa và mắt được thư giãn…

Hiện có khoảng 3% dân số toàn cầu mắc bệnh nhược thị, gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành phát triển thị giác 2 mắt, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi.

HẠNH AN