Khủng hoảng viện trợ ở Sudan
Nhu cầu viện trợ của Sudan đang phải cạnh tranh với các cuộc khủng hoảng ở Gaza và Ukraine.
Vụ nổ súng ở thủ đô Sudan ngày 15/4 không phải là điều hoàn toàn bất ngờ đối với Mohamed Eisa, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa ở Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ), người đã trở về Sudan để chôn cất cha mình. Ông nhìn thấy những chiếc xe bán tải chở đầy những người có vũ trang chạy quanh đường phố Khartoum và nhận thức được sự cạnh tranh khốc liệt giữa quân đội nước này và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF).
Ông Eisa dự đoán cuộc chiến sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bởi Sudan là quốc gia lớn thứ ba châu Phi nằm trên Biển Đỏ chiến lược và có chung đường biên giới với một số quốc gia quan trọng đối với các cường quốc phương Tây và các đồng minh của họ ở vùng Vịnh– những nước mà ông kỳ vọng sẽ giúp chấm dứt cuộc đụng độ giữa các nhóm vũ trang.
Nhưng thay vào đó, điều ngược lại đã xảy ra. Xung đột giữa RSF và Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) đã diễn ra suốt 8 tháng mà không có hồi kết, giết chết hàng nghìn người và tạo ra điều mà Liên hợp quốc (LHQ) gọi là cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới.
Theo Viện Chính sách di cư, số người gôc Sudan ở Mỹ là khoảng 51.000 người. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ước tính có 35.000 người sinh ra ở Sudan đang sống ở Anh.
Theo LHQ, 7 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi giao tranh bắt đầu vào tháng 4 và Dự án Dữ liệu sự kiện & Vị trí xung đột vũ trang - một nhóm lập bản đồ khủng hoảng có trụ sở tại Wisconsin - ước tính, 12.190 người đã thiệt mạng. Thậm chí, đây có thể là con số thấp so với thực tế vì nhiều khu vực đang xảy ra giao tranh mà các nhà quan sát độc lập không thể tiếp cận. Đầu tháng này, Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo các khu vực bị chiến tranh tàn phá có thể phải đối mặt với “nạn đói thảm khốc” vào tháng 5 tới trừ khi có thêm viện trợ.
Sudan đã phải giải quyết các cuộc nội chiến trên thực tế kể từ khi giành được độc lập vào năm 1956, dẫn đến việc nửa phía nam của nước này bị tách ra để hình thành Nam Sudan. Nhưng cuộc chiến này không giống bất kỳ cuộc chiến nào ở chỗ, một trong những chiến trường chính của nó là Khartoum, thủ đô và trung tâm của một bang có dân số ước tính khoảng 9,4 triệu người. Nhiều tháng giao tranh để lại thi thể rải rác trên đường phố, các khu dân cư đông đúc bị phá hủy, gây hư hại một cây cầu quan trọng bắc qua sông Nile và phá hủy trụ sở công ty dầu mỏ và Bộ Tư pháp.
Nhiều người bỏ Khartoum đến Wad Madani và lại phải tiếp tục chạy trốn sau khi lực lượng RSF tấn công thành phố này vài ngày trước. Các cuộc đụng độ tái diễn ở El Fasher, thành phố lớn cuối cùng ở Darfur vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội.
Sau khi trốn khỏi Khartoum bằng đường bộ rồi đi thuyền tới Ả Rập Xê Út, ông Eisa trở về Mỹ, nơi ông được bầu là Tổng Thư ký Hiệp hội bác sĩ người Mỹ gốc Sudan. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Sudan hầu như không thể đối phó với những tác động của chiến tranh và Hiệp hội đang tập trung cung cấp vật tư và tiền cho các phòng khám và bệnh viện bị cuốn vào chiến tranh hoặc quá tải với dân di tản.
Sáu tháng sau khi giao tranh bắt đầu ở Sudan, ở dải Gaza nổ ra chiến tranh giữa Israel và Hamas. Đối với ông Eisa, sự kiện này khiến mối quan tâm của các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ đến cuộc chiến ở đất nước ông giảm sút “chỉ sau một đêm”. Cả cộng đồng người Sudan ở hải ngoại và các nhóm nhân đạo quốc tế hiểu rằng nhu cầu viện trợ của Sudan đang phải cạnh tranh với các cuộc khủng hoảng ở Gaza và Ukraine.
LHQ cho biết chỉ nhận được từ các nhà tài trợ 39% trong số 2,6 tỷ USD cần thiết để ứng phó với cuộc khủng hoảng ở Sudan, trong đó, khoảng một nửa số tiền đến từ Mỹ. Washington được coi là đi đầu trong nỗ lực hòa giải giữa các bên tham chiến ở Sudan, mặc dù các cuộc đàm phán đang bế tắc.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng châu Phi của Vương quốc Anh Andrew Mitchell cho biết, có bằng chứng cho thấy “những hành động tàn bạo nghiêm trọng” đang được thực hiện đối với dân thường ở Sudan, đặc biệt là ở Darfur. Trong tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, cả hai bên tham chiến gây “tội ác chiến tranh”, trong khi RSF và các đồng minh “phạm tội ác chống lại loài người và thanh lọc sắc tộc”.
Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa có đặc phái viên tại Sudan, điều này gây khó khăn trong việc nắm bắt tình hình. Đại sứ quán Mỹ ở Khartoum đã được sơ tán sau khi cuộc giao tranh bắt đầu.
Tuần trước, các nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong các ủy ban phụ trách các vấn đề đối ngoại của Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã đề xuất các nghị quyết kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden bổ nhiệm một đặc phái viên tới Sudan, trừng phạt các bên tham chiến và điều tra các hành vi tàn bạo.
Ông Jim Risch - thành viên ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ - cho biết: “Mặc dù toàn cầu tập trung vào các cuộc khủng hoảng ở châu Âu và Trung Đông, nhưng không thể bỏ qua tình hình thảm khốc ở Sudan, một đất nước có đặc trưng của sự đau khổ cùng cực, sự tàn phá trên diện rộng và tội ác khủng khiếp”.