Xây dựng hành lang xanh dọc sông Sài Gòn
UBND TP Thủ Đức (TPHCM) đã khánh thành công viên dọc sông Sài Gòn. Những công viên, con đường ven sông Sài Gòn đang mở ra không gian xanh cho thành phố.
Trung tuần tháng 12/2023, Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã thông qua Quy hoạch vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nội dung quan trọng là khai thác không gian dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai với vai trò một không gian xanh - sinh thái, kết nối vùng.
Sông Sài Gòn có chiều dài 256km, trong đó đoạn chảy qua địa phận TPHCM khoảng 80km. TPHCM chia sông Sài Gòn ra làm 2 vùng, gồm vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (quận 12) và vùng trung - hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn - sông Soài Rạp, quận 7).
Là một trong những phụ lưu của sông Đồng Nai, sông Sài Gòn được đánh giá có tiềm năng lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không gian đô thị của khu vực Đông Nam bộ nói chung và TPHCM nói riêng. Tuy nhiên, thời gian qua, TPHCM vẫn chưa khai thác hết thế mạnh tự nhiên này. Cụ thể, hiện không gian hai bên bờ sông Sài Gòn chưa được thiết lập các hệ thống tiện ích, không gian dịch vụ công cộng và cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn còn hạn chế; việc quy hoạch hai bên bờ sông Sài Gòn còn manh mún, chưa đồng bộ. Một số khu vực có tiềm năng lớn dọc bờ sông như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu Thảo Điền (TP Thủ Đức), bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh)… vẫn chưa hoàn chỉnh.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, nhìn chung, Đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn đã cơ bản hoàn chỉnh. Trong đó, quy hoạch sông Sài Gòn đặt ra mục tiêu gắn kết cộng đồng, kết nối vùng và hướng ra thế giới, để đến năm 2030 phát triển ven sông Sài Gòn thành điểm đến văn hóa của châu Á với mức tăng trưởng 8%-8,5%/năm. Trong Đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn, dự kiến khu vực dọc trung tâm sẽ hình thành công viên, sân chơi trẻ em, đường đi bộ, góc thiền, không gian sinh hoạt cộng đồng..., nhằm tạo ra ốc đảo đô thị xanh cho người dân. Cùng với đó, khai thác lịch sử lâu đời của thành phố và văn hóa sông nước với những viện bảo tàng, các khu vực hoạt động nghệ thuật và điểm đến lịch sử; đẩy mạnh kinh doanh quán ăn đường phố và các hoạt động giải trí khác...
Tuy nhiên, để hiện thực hóa Đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn, kiến trúc sư Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, cho rằng phải phân rõ trách nhiệm, trong đó Nhà nước sẽ làm tới đâu, còn lại kêu gọi tư nhân tham gia với lợi ích phải rõ ràng. Dẫu vậy, dù ai đầu tư cũng phải tuân thủ nghiêm quy hoạch để giữ được cảnh quan hai bên bờ sông nhằm phục vụ cho người dân và sự phát triển lâu dài của thành phố.
Còn theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TPHCM có thể bắt đầu từ việc xây dựng dự án chỉnh trang và phát triển không gian sông nước liên hoàn cho khu vực nội thành, nhất là khu vực hai bên sông Sài Gòn từ bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đến bán đảo Tân Thuận (quận 7). Cụ thể, xây dựng và phát triển khu vực Thanh Đa - Bình Quới (quận Bình Thạnh) với bản sắc đô thị sinh thái, du lịch giáo dục, làng nghệ thuật ven sông; chỉnh trang và phát triển khu vực Trường Thọ và Thảo Điền (TP Thủ Đức) với bản sắc khu đô thị hiện đại, sáng tạo, giao lưu quốc tế, đóng vai trò trung tâm ven sông của TP Thủ Đức.
Ông Sơn cũng cho rằng, không chỉ TPHCM mà tỉnh Đồng Nai cũng cần có quy hoạch những lô đất lớn khuyến khích xây nhà cao tầng tuân thủ theo quy hoạch xây dựng bằng cách Nhà nước có thể mua lại những lô đất nhỏ, nhà nhỏ siêu mỏng để có những công trình điểm nhấn với mật độ xây dựng tối đa khoảng 50%-60%, tạo thêm không gian xanh, không gian mở xen lẫn công viên.