Mặt trận

Thái Nguyên: Xây dựng nông thôn mới góp phần giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Toán Nguyễn - Thành Vân 27/12/2023 17:55

Năm 2023 công tác giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn có nhiều kết quả tích cực.

Ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh năm 2023; công tác giảm nghèo được các địa phương quan tâm, triển khai bằng nhiều giải pháp.

Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các chương trình MTQG, hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo thông qua các dự án phát triển sản xuất; tạo điều kiện cho các hộ vay vốn ngân hàng và các nguồn vốn khác; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện các chương trình an sinh xã hội cho hộ nghèo như cấp thẻ BHYT, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo,…

Chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2023”, tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên Đán đảm bảo đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch,...

W_7fd68e4624d38c8dd5c2.jpg
Hàng ngàn hộ dân được hỗ trợ về nhà ở từ các Chương trình MTQG. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo kết quả rà soát sơ bộ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, hiện nay trên địa bàn khu vực nông thôn của tỉnh còn hơn 9.200 hộ nghèo, tỷ lệ gần 4,5%; hộ cận nghèo còn gần 8.300 hộ, tỷ lệ hơn 4%. Đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên có 114/126 xã đạt tiêu chí Nghèo đa chiều (90,5%); Đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, Thái Nguyên có 79/126 xã đạt tiêu chí Nghèo đa chiều (62,7%).

Cũng theo ông Trần Nho Hưởng, công tác phát triển giáo dục, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Cụ thể, Thái Nguyên đã tập trung thực hiện các mục tiêu phổ cập, nâng cao chất lượng giáo dục gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh: 100% các xã trên toàn tỉnh đạt và tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2. Duy trì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) đạt trên 90%.

W_a4e34247e8d2408c19c3.jpg
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đại Từ đi khảo sát hộ nghèo tại xã Khôi Kỳ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hệ thống y tế ở nông thôn được đầu tư mở rộng, nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng dân cư, chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên. Đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn giúp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại tuyến cơ sở.

Các Bệnh viện, Trung tâm y tế tuyến huyện đã thực hiện tốt việc đảm bảo công tác khám chữa bệnh, thường trực, cấp cứu; chú trọng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý môi trường, chất thải y tế; triển khai các kỹ thuật mới, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử; sử dụng căn cước công dân trong khám, chữa bệnh.

Đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên có 125/126 xã đạt tiêu chí về Giáo dục và Đào tạo (99,2%); 124/126 xã đạt tiêu chí về Y tế (98,4%); có 3/6 huyện đạt tiêu chí về Y tế - Văn hóa - Giáo dục (50%).

Toán Nguyễn - Thành Vân