Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp
Theo ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cần có chính sách hỗ trợ để nông dân trở thành chủ thể trong phát triển nông nghiệp.
Hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ
Hiện nay câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú” không chỉ là những mô hình điểm mà đã trở thành một trong những mô hình quen thuộc ở nhiều địa phương. Việc triển khai mô hình này đã góp phần lan tỏa phong trào giúp nhau làm giàu từ nông dân. Điển hình như tại Bến Tre dù mới được ra mắt, thành lập năm 2018 nhưng đến nay trên mảnh đất xứ dừa đã có tổng cộng 10 CLB “Nông dân tỷ phú” với nhiều hội viên là những gương mặt “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp như “kỷ lục gia” nuôi tôm thẻ Đặng Văn Bảy (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú); chị Nguyễn Thị Nga (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) với mô hình trồng hoa cảnh trong nhà lưới; anh Lưu Văn Cõi (xã An Hiệp, huyện Ba Tri) với đàn bò giống chất lượng cao…
Mặc dù vậy phản ánh từ các địa phương cho thấy, trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng với những yêu cầu khắt khe của thị trường… đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nông dân. Trong đó rào cản lớn nhất chính là áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
“Hiệu quả kinh tế mang lại từ áp dụng công nghệ nông nghiệp thông minh là rất lớn tuy nhiên để giải quyết được bài toán cho người nông dân sẵn sàng tiếp cận và ứng dụng được khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thì bên cạnh giải pháp mang tính vĩ mô về chính sách đột phá cho nông nghiệp thì cần có đủ nguồn lực và có cơ chế đặc thù, ưu đãi hơn nữa về đầu tư, khuyến khích cho người nông dân phát triển khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp” - đại diện Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Minh chứng cho đề xuất của mình, đại diện Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, dù ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ theo hướng hiện đại tuy nhiên đại bộ phận nông dân trong tỉnh vẫn còn đang sản xuất nông nghiệp đơn thuần, manh mún. Vẫn còn thụ động và chưa tự tin, mạnh dạn ứng dụng thành tựu, hiệu quả của khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Chuyển đổi số là tất yếu
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Quân - Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An cũng cho rằng, HTX, tổ hợp tác tăng nhanh về số lượng, song phần lớn các tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đáng chú ý, dù thu nhập người nông dân trong thời gian gần đây đã tăng hơn nhưng so với khu vực công nghiệp vẫn còn chênh lệch khá lớn.
“Hiện nay nông dân rất quan tâm vấn đề chuyển đổi số. Bà con quan tâm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dịch bệnh, phục vụ công tác cây trồng. Thứ hai là ứng dụng công nghệ sinh học và ứng dụng công nghệ để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên việc hỗ trợ nông dân tiếp cận cũng như sử dụng được ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Từ đó đã tạo tâm lý e ngại, chưa tự tin mạnh dạn ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất” - ông Quân chia sẻ và cho rằng kinh tế tập thể, liên kết theo chuỗi là nhân tố quan trọng để gắn kết và xây dựng nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Vì vậy, rất cần những chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể phát triển, cùng với đó là chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Đặng Dương Minh Hoàng - giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp số (Bình Phước) cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, nếu muốn tiết giảm chi phí, giảm bớt các khâu trung gian, minh bạch lý lịch sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất, người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa…thì chuyển đổi số là con đường tất yếu. Nhiệm kỳ tới cần có chính sách hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, nhất là áp dụng nhật ký điện tử giúp chuyển đổi số trong nông nghiệp.
“Việc phổ cập sử dụng nhật ký điện tử đối với nông dân, giúp địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu. Xây dựng chuỗi kết nối giữa các nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian... chắc chắn sẽ mang lại tính ổn định cho các sản phẩm của địa phương” - ông Hoàng gợi ý.
Đề cập về vai trò chuyển đổi số, bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện Bắc Ninh đang có rất nhiều sản phẩm, nông sản chất lượng cao, trong đó có sản phẩm đã đạt chứng nhận sẩn phẩm OCOP của địa phương và quốc gia. Tuy nhiên, công việc truyền thông, xúc tiến thương mại còn hạn chế, sau đại hội, bà con, hội viên ở trên địa bàn tỉnh rất mong được tiếp sức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, các kênh mạng xã hội uy tín để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.