Kinh tế

Thực phẩm bẩn lại tràn ra thị trường

T.Hằng 28/12/2023 08:08

Cuối năm các cơ sở sản xuất nhập nhiều nguyên liệu, thực phẩm để sản xuất các loại thực phẩm chế biến sẵn. Điều này tạo nhiều cơ hội cho thực phẩm bẩn xâm nhập thị trường.

anh-bai-chinh.jpg
Lực lượng chức năng thu giữ số thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở kinh doanh do Nguyễn Văn Tình làm chủ. Ảnh: CAHN.

Liên tiếp bắt giữ hàng bẩn

Thời điểm gần Tết Dương lịch, chuẩn bị cho tết Nguyên đán Giáp Thìn, hàng loạt vụ việc đưa thực phẩm bẩn ra thị trường đã bị chặn đứng. Tại tỉnh Lào Cai, thông tin từ Đội tuần tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết, cuối tuần qua đã bắt giữ khoảng 1 tấn cá tầm nhập lậu từ bên kia biên giới về Việt Nam.

Theo đó, đội tuần tra tiến hành kiểm tra bờ sông Hồng, phát hiện 2 thuyền phao lắp động cơ điện có khoảng 20 bao tải, bên trong mỗi bao là hộp xốp có túi đựng cá tầm đã chết. Tổng khối lượng khoảng 1 tấn.

Đội tuần tra đã lập biên bản ghi nhận vụ việc, đưa 3 đối tượng có liên quan cùng toàn bộ số hàng hóa và thuyền phao về Đồn Biên phòng để xác minh. Tại Đồn Biên phòng, danh tính các đối tượng được làm rõ, gồm: Nguyễn Thanh Huyền (ở tỉnh Yên Bái), Đỗ Văn Tuân và Trần Văn Quýnh (ở tỉnh Lào Cai). Các đối tượng khai nhận, vận chuyển thuê số cá chết này cho một người đàn ông với giá 5 triệu đồng.

Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 2 (Cục QLTT tỉnh Hà Nam) phối hợp với Đội 4 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Hà Nam kiểm tra hộ kinh doanh do Nguyễn Văn Tình (SN 1962) làm chủ, địa chỉ tại tổ dân phố Ngọc Động, phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, phát hiện 1.300 kg nội tạng lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại tỉnh Cao Bằng, lực lượng chức năng cũng vừa phát hiện kho hàng chứa một lượng lớn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ gồm: Trứng gà non, kê gà, dế mèn, đậu viên thả lẩu, khoai lang sấy, chân gà, xương cá hồi, thịt trâu khô, ốc, cá biển… có hiện tượng chảy nước, bốc mùi hôi thối.

Số liệu thống kê từ Tổng cục QLTT cho biết, năm 2023 đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Lo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 do Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành, từ 20/12/2023 đến 15/3/2024, 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị… có các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Giáp Thìn và các lễ hội. 5 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, TPHCM, Bình Dương, Kon Tum, Gia Lai, Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Thực tế cho thấy để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong Tết Nguyên đán, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng còn đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn; không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm thực phẩm.

Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng không nên ham rẻ để sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chỉ nên mua thực phẩm tại những địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng, nói không với những sản phẩm có tem nhãn in không rõ ràng, để tránh mua hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

T.Hằng