Tạo cơ hội cho đồng bào miền núi đi lao động nước ngoài
Tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động ở miền núi, giúp bà con có cơ hội đi lao động ở nước ngoài.
Theo kế hoạch triển khai Chương trình đưa người lao động (NLĐ) trên địa bàn đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, từ năm 2023 đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu thực hiện đưa 12.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Nghĩa là mỗi năm đưa khoảng 1.500 người đi xuất khẩu lao động ở các nước có điều kiện làm việc tốt, công nghệ tiên tiến, thu nhập cao, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã đưa gần 1.700 người đi làm việc ở dạng này.
Để làm được điều đó, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các huyện, xã và doanh nghiệp phối hợp tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, điểm tư vấn việc làm theo huyện, xã đã mang lại hiệu quả cao trong việc tư vấn, đào tạo, đưa NLĐ trong tỉnh đi làm việc ở các thị trường nước ngoài.
Ông Bh Nước Hải - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Nam Giang cho biết: “Năm 2023, trên địa bàn huyện đã tổ chức được 7 sàn việc làm tại các xã vùng biên giới giáp Lào, mỗi sàn có từ 150 đến 250 người tham gia. Tại buổi giới thiệu, NLĐ được lãnh đạo địa phương, công ty, đơn vị giới thiệu các loại ngành nghề làm ở khu công nghiệp hoặc lao động đi nước ngoài. Hiện nay toàn huyện có 170 trường hợp xuất khẩu lao động làm việc ở Lào, còn ở Nhật Bản, Hàn Quốc có 18 trường hợp, qua đó giúp NLĐ có nguồn thu nhập cao cải thiện cuộc sống gia đình”.
Theo ông Hải, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 20.000 người trong độ tuổi lao động với hơn 17.000 NLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là nguồn lực lao động rất lớn, tuy nhiên điều kiện kinh tế của huyện còn khó khăn nên nhu cầu việc làm thường xuyên trên địa bàn ít. Do đó, thời gian tới chính quyền huyện phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh cùng các doanh nghiệp sẽ tổ chức các buổi giới thiệu việc làm xuất khẩu lao động để tìm việc làm cho NLĐ.
Anh Blúp Hùng (ở thôn Pring xã Chà Và, huyện Nam Giang) cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học khoa công nghệ thông tin, anh về quê đi làm đủ các ngành nghề nhưng cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, khi nghe chính quyền địa phương thông báo có chương trình đưa người lao động sang Lào làm việc thì anh đã đăng ký tham gia.
“Hiện tại, tiền lương của tôi sau khi trừ bảo hiểm, chi phí ăn uống, xăng xe cũng tiết kiệm được từ 7 - 8 triệu đồng mỗi tháng” - anh Phước chia sẻ.
Ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco cho biết, từ năm 2021 đến nay nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở LĐTBXH tỉnh và chính quyền các huyện giáp biên giới với Lào để tư vấn, tuyển sinh đào tạo và bố trí việc làm cho hơn 310 lao động là người dân tộc thiểu số. NLĐ được công ty ký hợp đồng dài hạn, có đầy đủ chế độ bảo hiểm theo Luật Lao động; được bố trí hỗ trợ chi phí ăn ở; được về thăm nhà sau 1 đến 2 tháng làm việc. Mỗi lao động có thể tiết kiệm 8 đến 10 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam cho biết, để hỗ trợ NLĐ, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quy định cho vay nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với NLĐ đi làm việc thời vụ ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025. NLĐ đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, mỗi trường hợp có thể vay tối đa 100 triệu đồng.
Được biết, hiện nay tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện nghèo nên thời gian qua lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động miền núi. Điều này góp phần rất lớn trong vấn đề giải quyết việc làm cho NLĐ trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam cho biết: Người lao động đi làm việc thời vụ ở nước ngoài được vay 100 triệu đồng, với chính sách này thực sự là nguồn hỗ trợ thiết thực. Xuất khẩu lao động sẽ góp phần thúc đẩy giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.