Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Đừng để “tiền mất tật mang”!

Minh Thủy 28/12/2023 08:11

Làm đẹp là nhu cầu tự thân. Sang năm mới, càng gần Tết thì chị em lại càng rủ nhau đi làm đẹp. Nhưng đẹp thì vẫn phải an toàn trước đã. Làm đẹp phải phù hợp với mình vì rằng nét đẹp của người khác không chắc đã làm cho mình đẹp lên. Có khi còn ngược lại.

Ở thời điểm này, làm đẹp như đã thành trào lưu. Các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tấp nập người ra vào. Các “kỹ thuật viên” làm đẹp tự do, giá rẻ luôn tay luôn chân. Thật đáng tiếc khi các bác sĩ thẩm mỹ cho biết rất nhiều trường hợp chị em mất tiền làm đẹp chỉ để “khoe” Tết, sau đó lại phải tìm đến bệnh viện để “sửa chữa”, mất một món tiền nữa để mong được trở lại như xưa.

Một bác sĩ ở Công ty TNHH Bệnh viện JW Hàn Quốc tại TPHCM cho biết, không ít cô gái nằng nặc yêu cầu nâng mũi “cao hơn cả Tây”, khuyên can thế nào cũng không nghe. Làm xong thì chưng hửng vì không ăn nhập chút nào với gương mặt của mình. Có cô gái còn yêu cầu hạ gò má thấp xuống, vì cho rằng gò má cao là “tướng dữ”. Nên khi phẫu thuật nâng mũi, hạ gò má xuống thì trông lại càng dữ.

Theo các chuyên gia da liễu Bệnh viện Thẩm mỹ Sao Hàn, để phẫu thuật gò má, khách hàng phải được tiến hành cẩn thận các biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng, tìm hiểu các vấn đề di truyền... từ đó mới có thể xác định được cụ thể trường hợp phải phẫu thuật thế nào. Nhưng, hầu hết khách làm đẹp đều “bất chấp”, miễn cứ phẫu thuật làm mới là được.

Chính vì thế, rất nhiều trường hợp mất tiền làm đẹp hết lần này đến lần khác, sửa chữa nhiều lần nhưng càng ngày càng xấu. Đẹp không phải chỉ nhờ dao kéo, “thần dược” mà có được. Càng không thể “cải lão hoàn đồng” theo kiểu can thiệp bằng ngoại khoa hay nội khoa, nhất là sử dụng dịch vụ căng da cấp tốc đang rất được ưa chuộng.

Trào lưu làm đẹp lại được khuyến khích thêm bằng nạn quảng cáo tràn lan trên mạng, như “cải lão hoàn đồng” cho da - từ da mụn đến lão hóa, từ làm đầy sẹo đến dưỡng trắng da bằng cách dùng tế bào gốc nhau thai hay “tái sinh đa tầng”.

Thực ra, các quảng cáo về tế bào gốc đang mập mờ trong cách dùng khái niệm. Tế bào gốc người là tế bào có khả năng tự đổi mới, tự biệt hóa thành các tế bào có thể đảm nhiệm các chức năng khác nhau trong cơ thể, chỉ được Bộ Y tế cấp phép trong điều trị bệnh như ung thư, bại não, liệt tủy, xương - khớp... chưa được cấp phép trong làm đẹp. Quảng cáo “tiêm tế bào gốc trẻ hóa da” được các cơ sở thẩm mỹ, spa giới thiệu thực chất không phải là tế bào gốc người như nhiều người nhầm tưởng. Đó chỉ là sản phẩm công nghệ tế bào gốc có nguồn gốc thực vật mà thôi.

Không ít người đã bị mù mắt sau khi tiêm chất làm đẹp. PGS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM từng cảnh báo tai biến chết người sau khi làm đẹp bằng chất làm đầy (filler). Khi lọt vào mạch máu, chất làm đầy có thể gây tắc động mạch võng mạc (có thể gây mù mắt vĩnh viễn) hoặc thuyên động mạch não (gây nhồi máu não).

Kể cả việc cắt mí, bọng mỡ mắt dù là phẫu thuật nhỏ cũng có thể dẫn tới biến chứng. Không ít người đẹp sau khi phẫu thuật cắt mí, bọng mỡ mắt đã dở khóc dở cười khi cơ mắt cứng, không thể nhắm kín. Có trường hợp khi ngủ mắt vẫn mở trừng trừng không nhắm lại được, phải chờ tới 6 tháng sau mô vùng mí mắt ổn định, bác sĩ mới có thể phẫu thuật điều chỉnh lại.

Còn tiêm botox (Botulinum Toxin type A) để làm đẹp thì sao? Trong thực tế đã có không ít trường hợp bị biến chứng, liệt tay chân do tiêm botox liều cao. Botox có 7 loại gồm: A, B, C, D, E, F và G, nhưng chỉ có botox loại A được dùng trong ngành thẩm mỹ. Tất nhiên hầu hết những người đi “mua” nhan sắc không biết điều đó, kể cả các kỹ thuật viên tay ngang cũng không biết nên hậu quả là khó tránh hỏi.

Làm đẹp nhưng phải an toàn. Cảnh báo đó không thừa khi phẫu thuật thẩm mỹ đã như một trào lưu và các cơ sở thẩm mỹ chui mọc lên như nấm.

Minh Thủy