Nghệ nhân trọn đời dành tình yêu cho hát Đúm
Nhắc đến nghệ thuật hát Đúm ở Quảng Ninh, mọi người đều nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Quyết – người đã dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật văn hóa dân gian đặc biệt này.
Hơn 50 năm một đam mê
Mở đầu cuộc trò chuyện, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Quyết (phường Phong Hải, TX Quảng Yên) tự hào chia sẻ với chúng tôi: “Cả mẹ và bà tôi đều hát Đúm, được sinh ra và lớn lên trong những điệu hát Đúm nên không biết từ bao giờ tôi đã yêu và say mê hát Đúm”. Vì lẽ đó, hơn 50 năm qua, chưa có phút giây nào người nghệ nhân này không băn khoăn và trăn trở để phát triển nét đẹp văn hóa đặc sắc này.
Từ năm 16 tuổi, bà Quyết đã được bà và mẹ dạy hát, uốn nắn từng cách phát âm, luyến láy và đưa hơi để lời hát được trọn vẹn. Nhớ lại những ngày đi hát, bà Quyết bồi hồi: “Hát Đúm đi sâu và trở thành một phần của đời sống lao động sản xuất, vui chơi của mỗi người tại Hà Nam (TX Quảng Yên). Tôi đi hát không chỉ trong những sân khấu lộng lẫy mà còn hát tại ngay những ruộng lúa, bờ đê… để cổ vũ, động viên mọi người hăng say lao động”.
Thuở xa xưa, những lời hát Đúm cổ được ra đời từ chính cuộc sống, là tiếng nói bình dị của người dân chân chất, thật thà. Những câu hát Đúm vang lên ở mọi nơi, kể cả khi bận rộn đến lúc nông nhàn giúp mỗi người vơi đi nỗi vất vả, khó nhọc. Với mỗi hoàn cảnh cụ thể sẽ có những dạng hát Đúm khác nhau như hát chào, hát hỏi, hát đố, hát thư, hát ra về…
Theo Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Quyết, hát Đúm tại Quảng Yên có những nét riêng biệt so với hát đúm tại Thủy Nguyên (Hải Phòng). “Hát Đúm tại Quảng Yên sử dụng giọng thổ trầm ấm, ngọt ngào còn tại Thủy Nguyên thì sử dụng giọng kim với âm sắc cao, vang hơn. Đặc biệt, lời hát Đúm Quảng Yên gắn với tên gọi của rất nhiều địa danh, từ đó gửi gắm tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc”, bà Quyết nói.
Hơn 20 năm trở lại đây, với chiếc xe đạp cũ của mình, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Quyết (phường Phong Hải, TX Quảng Yên) “lặn lội” đến mọi thôn xóm nơi có những cụ cao tuổi biết hát Đúm để sưu tầm những bài hát cổ. Bà Quyết chia sẻ: “Có nhiều hôm đi xin bài từ các cụ xong ngẩng lên đã thấy trời tối đen như mực. Nhưng không vì thế mà tôi nản mà ngược lại còn cảm thấy rất vui và hào hứng vì mình đang thực hiện sứ mệnh bảo tồn làn điệu cổ”.
Năm 2003, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Quyết đã xuất bản cuốn sách “Hát đúm Hà Nam – Yên Hưng”, trong đó bao gồm hơn 2.000 bài hát đúm cổ. Cuốn sách đã và đang trở thành tư liệu quý để gìn giữ, lan tỏa và bảo tồn những làn điệu hát đúm truyền thống.
Trao truyền những làn điệu hát Đúm
Giờ đây, bà Phạm Thị Quyết đang là chủ nhiệm của CLB hát Đúm Yên Hưng với trên 20 thành viên. Định kỳ mỗi tháng 1 lần, CLB sẽ sinh hoạt để các thành viên cùng học hỏi, giao lưu và luyện tập các bài hát Đúm.
Ông Vũ Văn Hùng (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên), thành viên CLB chia sẻ: “Ngoài buổi sinh hoạt chính thức, chúng tôi vẫn tranh thủ tự luyện tập để ôn bài. Cô Quyết rất có tâm, rất say mê nên chúng tôi được học hỏi nhiều điều thú vị về hát Đúm”.
Dẫu mới chỉ sinh hoạt CLB được 5-6 năm, thế nhưng ông Hùng hiện là bạn cặp hát Đúm của Nghệ nhân Phạm Thị Quyết trong nhiều chương trình giao lưu và các lễ hội. Khi được hỏi về bí quyết để có thể hát Đúm hay, ông Hùng bật mí: Hát Đúm không có nhạc đệm, người sau cần phải hát theo tông điệu của người trước. Trong lúc hát sẽ kết hợp thêm những cử chỉ, hành động để người nghe cảm thấy vui vẻ, hào hứng.
Trong suốt hơn 50 năm say mê theo đuổi nghệ thuật hát Đúm, chứng kiến sự thăng trầm và những biến đổi của xu hướng văn hóa, bà Quyết ngày càng trăn trở suy nghĩ về việc bảo tồn môn nghệ thuật đặc biệt này. Chính vì vậy, bên cạnh việc duy trì hoạt động CLB, bà Quyết cùng các thành viên đã xin ý kiến Phòng Văn hóa và Thông tin TX Quảng Yên để đưa hát Đúm vào giảng dạy tại trường học.
Từ năm 2016, hát Đúm đã được truyền dạy tại nhiều trường học trên địa bàn thị xã. “Tôi mong rằng những buổi hát Đúm sẽ là những tiết sinh hoạt ngoại khóa thú vị dành cho các cháu học sinh. Điều này không chỉ giúp các cháu hiểu hơn về văn hóa địa phương mà còn giúp lan tỏa và bảo tồn để hát Đúm không bị phai mờ theo năm tháng”, bà Quyết chia sẻ. Cùng với đó, người nghệ nhân cũng mong rằng sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ, quan tâm từ các cấp chính quyền để hát Đúm được lưu truyền và bảo tồn.
Sau mỗi buổi dạy học, điều bà Quyết và các thành viên CLB cảm thấy mừng rỡ nhất chính là đã có nhiều học sinh tỏ ra hào hứng và thể hiện tố chất của mình đối với môn nghệ thuật hát Đúm. Trong thời gian sắp tới, những lớp học vẫn sẽ được duy trì để cùng tiếp nối hành trình lịch sử rực rỡ của nghệ thuật hát Đúm và từ đó phát triển môn nghệ thuật đặc sắc của mảnh đất Quảng Yên.