Dự án hỗ trợ bò H'mông giúp người nghèo có cơ hội vươn lên làm giàu
Sau một thời gian triển khai, “Dự án liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò H’Mông” ở tỉnh Tuyên Quang, đã đem lại những thay đổi tích cực cho người dân được hưởng lợi.
Đến thôn Tân An, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương thời điểm này, sẽ không còn nhìn thấy đất trống mọc hoang, cỏ dại. Ngoài không gian nhà ở, chuồng trại, vườn rau ra, thì tất cả những mảnh vườn, vạt đồi, thửa ruộng cằn cỗi trước kia đã được thay thế bằng những ruộng, nương cỏ voi xanh tốt. Cơ bản cỏ voi được người dân trồng để chăn nuôi bò cái sinh sản được hỗ trợ, một phần để chăn nuôi cá và vật nuôi khác.
Ông Lý Văn Ó chia sẻ: “Từ trước khi nhận được bò sinh sản về nuôi thì cũng đã được cán bộ kỹ thuật của Dự án hỗ trợ bò xuống hướng dẫn trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi rồi. Vì thế giờ không phải đi chăn bò như trước nữa, mà lúc nào cũng có thức ăn sẵn, no đủ nên bò rất béo tốt hơn lúc mới nhận về nhiều. Cặp bò nhà tôi còn sắp đẻ 2 con bê con nữa, mừng lắm”.
Tất cả những gia đình được hỗ trợ bò cái sinh sản đều được nuôi nhốt chuồng, chủ động nguồn thức ăn. Bà con không chỉ trồng cỏ, trồng chuối để chăn nuôi, mà họ còn sử dụng cả những sản phẩm phụ như cám ngô, cám gạo để bổ sung dưỡng chất cho bò phát triển tốt.
Ông Hoàng Văn Oanh - Giám đốc HTX công nghệ cao Tiến Thành là đơn vị chủ trì liên kết nuôi bò H’mông khẳng định: Sau khi chúng tôi triển khai hướng dẫn kỹ thuật, nhận thức thay đổi lớn nhất của bà con là đã bỏ cái cách chăn nuôi truyền thống quảng canh (thả rông). Đây là cách chăn nuôi không có quy trình thức ăn, phụ thuộc vào tự nhiên, thường sẽ không có nguồn thức ăn vào mùa Đông, dẫn tới bò hay bị chết đói, rét hoặc còi cọc. Nhờ chủ động nguồn thức ăn như vậy mà bò giao tới tay bà con chỉ sau vài tháng đã thay đổi rõ rệt, phát triển tốt.
Dự án liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò H’Mông hứa hẹn sẽ giúp bà con được hưởng lợi có cơ hội thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhưng trước mắt đã làm thay đổi rõ nét về tập quán chăn nuôi lạc hậu của người dân vùng cao nói chung, vốn có thói quen chăn thả phụ thuộc vào tự nhiên, thì nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật và tư duy canh tác mới vào sản xuất.
Ông Lê Văn Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Dự án rất có ý nghĩa, một mặt tạo sinh kế cho hộ nghèo, tạo điều kiện cho người đồng bào có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Tuyên Quang có tới 22 dân tộc cùng sinh sống, người thiểu số chiếm tới trên 50%, đời sống bà con còn nghèo, tập tục tập quán sản xuất duy trì từ ngày xưa.
Do vậy thay đổi được phương thức sản xuất cần có sự hỗ trợ của các nguồn lực, trong đó việc triển khai Dự án hỗ trợ bò H’Mông được đánh giá đã thành công, ít nhất về mặt thay đổi nhận thức sản xuất của bà con. Việc lan tỏa cách kỹ thuật canh tác tiên tiến, áp dụng khoa học công nghệ sẽ giúp bà con sản xuất hiệu quả hơn, đem lại thu nhập cao hơn…
Dự án liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò H’Mông của UBTƯ MTTQ Việt Nam được triển khai từ tháng 7/2023. Tổng cộng 200 con bò cái sinh sản đã trao đến tay của 100 hộ dân ở 6 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Tuyên Quang là Sơn Dương (xã Đông Thọ), Yên Sơn (2 xã Trung Minh và Hùng Lợi) và Hàm Yên (3 xã Yên Lâm, Yên Phú, Minh Hương).