“Rối nhiễu tâm lý” trong thanh thiếu niên
Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn từ sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội và khả năng tiếp cận thông tin qua Internet.
Áp lực từ sự thay đổi
Theo GS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, qua các khảo sát của các ngành, các tổ chức quốc tế, có thể thấy các vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam đang có xu hướng gia tăng.
Theo GS Vinh, sự thay đổi trong đời sống xã hội, gia đình và nhà trường đã tạo nên những sức ép không nhỏ đối với học sinh, dẫn đến tình trạng chán học, rối nhiễu tâm lý, có những hành vi lệch chuẩn, bạo lực học đường hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
“Trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội và khả năng tiếp cận thông tin thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và Internet, lối sống và hành vi sức khỏe của thanh thiếu niên Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn. Đặc biệt, việc tiếp cận thông tin không rõ nguồn gốc và động cơ đang có xu hướng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh thiếu niên ngày nay” – GS Lê Anh Vinh nói.
Theo báo cáo sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam của UNICEF, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, chuyên gia giáo dục Lê Anh Lan cho biết tỷ lệ thanh thiếu niên có biểu hiện sức khỏe tâm thần ngày càng tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ được hỗ trợ còn thấp. Bên cạnh đó, có sự khác biệt về sức khỏe tâm thần giữa các nhóm thanh thiếu niên về giới tính, học lực, độ tuổi, vùng miền. Bên cạnh đó, vẫn còn có sự e ngại về vấn đề sức khỏe tâm thần trong xã hội.
Một khảo sát được tiến hành ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước cho thấy, 50% trẻ ở độ tuổi vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Cùng với đó, bạo lực học đường trở thành vấn nạn tại trường học.
Thay đổi định kiến, tăng cường hỗ trợ
Để hơn 22 triệu học sinh được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học, chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025” đã và đang được triển khai với sự tham gia của 9 bộ, ngành liên quan. Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường. Chương trình tập trung các nội dung: Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.
GS Lê Anh Vinh nhìn nhận điều cần làm là dần thay đổi những định kiến của xã hội về sức khỏe tâm thần, hỗ trợ nhiều hơn cho thanh thiếu niên và coi những vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần như những vấn đề thông thường của xã hội.
Bà Lê Anh Lan cho biết, các nghiên cứu của UNICEF đã chỉ ra rằng trường học là một trong những môi trường tâm lý xã hội quan trọng nhất, cung cấp thông tin về các yếu tố nguy cơ, cơ hội hỗ trợ và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên. Các dịch vụ sức khỏe tâm thần tại trường học có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần của học sinh lứa tuổi vị thành niên và giải quyết các yếu tố nguy cơ liên quan đến sức khỏe tâm thần ở trường học. Vì vậy, rất cần một đội ngũ nhân viên tư vấn tâm lý chuyên nghiệp tại các trường học hiện nay.