Nhớ nhạc sĩ Trọng Loan
Trung tuần tháng 12 năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Trọng Loan (1923-2023), gia đình và bạn bè thân thiết của nhạc sĩ đã biên soạn cuốn sách “Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc” gồm những bài viết, câu chuyện nghề, hồi ức của ông. Cuốn sách để tưởng nhớ và tri ân những đóng góp của nhạc sĩ Trọng Loan đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Nhạc sĩ Trọng Loan là anh cả trong gia đình có 5 anh chị em. Người em út của ông là NSND Trọng Bằng.
Nếu cậu út Trọng Bằng bắt đầu hoạt động âm nhạc từ khi còn là học sinh trường trung học thời kháng chiến ở Liên khu IV cũ. Học Đại học Sư phạm Văn khoa - khóa I…, cuộc đời thăng tiến từ năm 1963, khi là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bằng xuất sắc tại Nhạc viện Tchaikovsky, từng là Tổng Thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam... Thì người anh cả Trọng Loan cũng nhập ngũ và trở thành anh Vệ quốc quân khi mới gần 22 tuổi. Tác phẩm đầu tay của Trọng Loan là: "Bài ca thanh niên xung phong Phan Đình Phùng". Bài hát khích lệ tinh thần chiến đấu của các đội viên, cũng như khích lệ tinh thần của đồng bào ta trên toàn quốc đứng lên chống lại thực dân Pháp.
Cũng từ đó, Trọng Loan trở thành một trong những nhạc sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Loan luôn gắn với cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ, theo sát các đoàn quân, các chiến dịch và các trận chiến đấu trên khắp các chiến trường. Các tác phẩm của nhạc sĩ Trọng Loan luôn có tính chân thực, sống động và được phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
Trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa chiến đấu vừa sáng tác các bài hát mới để động viên khí thế chiến đấu của chiến sĩ. Trong một thời gian ngắn, từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1949, nhạc sĩ Trọng Loan đã viết liên tiếp được 10 ca khúc rất thời sự, kịp thời và phổ biến ngay để chiến sĩ ta hát trên đường hành quân, ngay tại chiến hào.
Có thể nói đây là những ca khúc có cảm xúc chân thực, thành công cả về mặt nghệ thuật và ý nghĩa chính trị, tư tưởng. Nó cũng đánh dấu một bước trưởng thành trong nhận thức tư tưởng cũng như sự định hình về bút pháp của nhạc sĩ Trọng Loan về sau này, đó là: tính thời sự, xúc tích, ngắn gọn, tính chiến đấu cao, như: "Bài ca viễn chinh", "Chiều biên cương", "Có ai qua biên thùy", "Em bé tha phương", "Chia tay quân bạn", "Ngày về"...
Nếu cậu em út, NSND Trọng Bằng là người Tây học, gắn bó nhiều với nhạc hàn lâm cổ điển châu Âu, sở hữu một vẻ bề ngoài luôn sang trọng, quy chuẩn: áo trắng cổ cồn khi đi làm, áo đuôi tôm trên bục chỉ huy, cung cách rất giống một nhà ngoại giao thì ông anh cả nhạc sĩ Trọng Loan lại mang phong cách rất giản dị, dân giã, chân chất của anh bộ đội Cụ Hồ. Trong sáng tác Trọng Loan cũng chú trọng hướng về tính phổ biến, dễ nhớ, thật thà…
Người ở địa phương vùng Khu IV và trong các đơn vị quân đội thời đó thích hát các bài hát của ông, với các tiêu đề không thể chất phác hơn: "Em nọ yêu anh", "Kể chuyện anh Hồng tập bò", "Cha cu giải nghệ", "Vui thao trường", "Đón chào anh Mô"...
Giai điệu những ca khúc của ông luôn thắm đượm âm hưởng dân gian, khúc thức rất khúc chiết, gọn gàng, mạch lạc giàu tình cảm. Tác phẩm của ông chỉ cần nghe qua vài lần là sẽ nhập tâm và hát luôn được dễ dàng.
Ông đi nhiều nơi, đến nhiều đơn vị, theo các đoàn quân đến tận chiến trường nơi vẫn còn vang tiếng súng. Ông đã cho ra đời những ca khúc kịp thời theo các sự kiện nóng bỏng trên chiến trường: "Phải đánh lũ giặc Mỹ", "Gửi Cồn Cỏ anh hùng", "Tàu tôi đi chiến đấu", "Hát trên Tây Nguyên giải phóng", "Hát trên sông Hương của ta", "Quân giải phóng đã về đây"...
Những người tuổi tôi ở miền Bắc không ai là không thuộc những bài: "Người Châu Yên em bắn máy bay", "Bùi Ngọc Dương bài ca chiến thắng", "Hát về nữ anh hùng Lê Thị Hồng Gấm", "Đường 9 hát chiến công", "Chiến thắng bản Đông", "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng", "Tin vui thắng trận 3.000 máy bay", "Hà Nội vươn cao chiến thắng tuyệt vời"...
Phần vì những bài đó được lựa chọn phát trên sóng phát thanh hàng tuần, phần vì tính phổ biến của tác phẩm. Lần đi Châu Yên vừa rồi tôi được nghe lại bài hát từ các bạn trẻ ở đó. Và một thời lịch sử ùa về trong tâm cảm của tôi.
Ông viết nhiều, đa dạng đề tài: Từ ca ngợi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam "Đi theo ánh sáng soi đường", "Chào miền Nam chào chính quyền cách mạng", đến kêu gọi binh sĩ miền Nam phản chiến về với nhân dân "Khúc ca ân tình", "Nhắn người trai Việt", "Vùng lên anh em binh sĩ", "Quét sạch chúng nó đi", "Đi lên cùng chống Mỹ cứu nước", "Mau quay về chung sức chung tay"...
Hay viết về các quân binh chủng, các ngành nghề, các địa phương: "Kìa ánh dương lên" viết về các chiến sĩ biên phòng miền Tây; "Anh nuôi đơn vị tôi", "Anh nuôi ta đó" viết về chiến sĩ hậu cần; "Mừng voi chiến thắng" viết về bộ đội pháo binh; "Niềm vui bên tay lái", "Xe lại lên đường" viết về bộ đội lái xe; "Yêu những đường dây" viết về bộ đội thông tin liên lạc;
"Lời ca gửi tặng Không quân nhân dân anh hùng" viết về bộ đội không quân; “Chú giải phóng quân ơi", "Là những măng non", "Vinh quang Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh"... viết về thiếu niên, nhi đồng...
Có lẽ đặc biệt nhất trong cuộc đời sáng tác của Trọng Loan là “Lời ca dâng Bác”. Bài hát do NSND Thanh Huyền thể hiện. Với chất liệu dân ca miền Trung gần gũi với quê hương của Bác.
Bài hát được thai nghén từ năm 1962 đến năm 1968 ông mới hoàn toàn hài lòng. Bài hát có ca từ cô đọng, hàm xúc, giai điệu mượt mà chứa chan tình cảm, sử dụng nhiều nốt luyến láy nhưng vẫn dễ hát. “Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác/ Có mối tình nào thủy chung mà son sắt/ Như tấm lòng của Bác nhớ tới đồng bào miền Nam/ Bao núi bao sông, bấy nghĩa bấy tình…”
Sau ngày thống nhất đất nước, nhạc sĩ Trọng Loan đã chuyển mình trong tư duy sáng tạo, cùng hòa nhịp trong dòng chảy âm nhạc mới của hai miền Nam - Bắc, từ hành khúc chiến đấu bắt đầu chuyển sang các thể loại nhạc mới (nhạc nhẹ, ca khúc trữ tình), từ chủ đề chính trị sang các khía cạnh đời thường của cuộc sống: "Từ mùa xuân nay ta hát chung bài ca", "Em sẽ lớn lên dưới những mái trường", "Hai nửa đồi sim", "Biển và em"...
Là một nhạc sĩ quân đội, nhạc sĩ Trọng Loan luôn ý thức được trách nhiệm của một người lính đối với Tổ quốc, đối với lực lượng. Vì vậy, bên cạnh những sáng tác theo phong cách nhạc mới, nhạc sĩ Trọng Loan vẫn luôn lấy chủ đề người lính để làm tiêu chí trong sáng tác của mình: "Chúng con lên đường hình Tổ quốc trong tim", "Nếu em tới thăm đảo", "Anh lại ra đi mở thêm những con đường", "Gặp nhau giữa điệp trùng biên cương", "Trăng", "Nhớ về một dòng sông"...
Đảng và Bác Hồ cũng đem lại nguồn cảm hứng trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Loan: "Tiến theo cờ Đảng" (1960), "Dâng lên Đảng niềm tin" (1976), "Tình Đảng ngời sáng trong tim anh" (1979); "Muôn năm Hồ Chí Minh" (1950), "Lời ca dâng Bác" (1968), "Nhớ Bác Hồ" (1971), "Tháng Năm hát dâng Người" (1982), "Hương thơm vườn Bác" (1987), "Trên đảo thép này Bác đứng uy nghi" (1987), "Cảng Nhà Bè đêm trăng nhớ Bác" (1991), "Hồ Chí Minh người gọi ta tiến bước tiên phong" (2000)...
Có thể nói, cả một đời đi theo cách mạng và sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Trọng Loan đã tận tâm, tận hiến và để lại cho đời một di sản âm nhạc rất đáng nể, phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc, nhưng nổi trội là tình yêu đất nước, con người, người lính Cụ Hồ Việt Nam. Các tác phẩm của ông luôn bám sát thực tiễn chiến đấu, lao động, sản xuất của quân và dân ta, với phong cách giản dị nhưng tinh tế âm nhạc Trọng Loan đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu nhạc, trong dòng lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Trọng Loan còn có bút danh Hương Lan. Mang hàm Đại tá, nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc nhưng ông sống bình dị, hiền hậu và hết lòng cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc.
Ông xứng đáng với những giải thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì và nhiều huân, huy chương khác.
Không chỉ cùng em trai mình song hành trên con đường âm nhạc với dấu ấn riêng mà nhạc sĩ Trọng Loan còn cùng con gái Tường Lan tạo nên những âm điệu dân tộc nhưng hiện đại. Ông đã rời xa chúng ta năm 2010 nhưng những tác phẩm của ông còn mãi với thời gian.