Hồi ức nhỏ của con gái KTS Huỳnh Tấn Phát
Là trí thức tiêu biểu của miền Nam đầu thế kỷ 20, cuộc đời nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát gắn liền với những sự kiện lớn của dân tộc, đất nước.
Tài ba và hào hoa, từ trẻ Huỳnh Tấn Phát (quê huyện Bình Đại, Bến Tre; 1913-1989) đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, bí mật tham gia cách mạng, rồi bị giặc bắt giam, tù đày. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được Nhà nước giao nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có cương vị Chủ tịch đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp gặp bà Huỳnh Xuân Thảo (68 tuổi) - con gái út của nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát và bà Bùi Thị Nga, để nghe thêm những câu chuyện thú vị…
Những ký ức khó quên
Trong căn nhà 2 tầng ở một con đường nhỏ tên Lê Ngô Cát tại Quận 3 (TPHCM), bà Huỳnh Xuân Thảo cho biết, trước bà là 4 người anh và một người chị gái tên Huỳnh Lan Khanh. Xin nói thêm, liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Lan Khanh là người con thứ 2, cũng là người có chí lớn giống với cha mình, tham gia hoạt động cách mạng ở miền Nam từ khi mới 17 tuổi.
Năm 1968, lúc vừa tròn 20 tuổi, khi đang công tác tại Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, trong một chuyến công tác chị bị giặc phát hiện, bắt giữ và hy sinh. Hiện tên của chị được đặt cho một con đường nhỏ nằm ngay trước lối vào sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), đường Huỳnh Lan Khanh.
Bà Xuân Thảo kể, do từ bé cả cha và mẹ đều tham gia cách mạng nên bà rất hiếm khi được gặp. Xuân Thảo cùng các anh, chị ở nhà bà ngoại và bà nội (đều ở khu vực Quận 1, TPHCM hiện nay).
Bà bảo, bà nội là một người phụ nữ đảm đang, rất giỏi làm bánh. Dù lúc đó còn nhỏ nhưng bà Xuân Thảo vẫn nhớ rõ bà nội thường xuyên làm các loại bánh bán ở các chợ, bán cho các đám giỗ, đám cưới trong vùng. Sau đó bà còn nhận dạy nữ công gia chánh cho những người trẻ. Tới khoảng năm 16 tuổi, bà được cha đưa lên chiến khu rồi sau đó đưa ra Hà Nội tiếp tục học. Tới năm 1974, bà được cử đi du học tại Liên Xô chuyên ngành về sinh học.
“Thực tế, tuổi thơ tôi không có nhiều thời gian gắn bó với cha và mẹ nhưng tôi vẫn có rất nhiều kỷ niệm về cha. Ông là người hay cười, gần như miệng luôn mở nụ cười khi nói chuyện với người đối diện. Cha cũng không áp đặt hay nghiêm khắc khi dạy dỗ các con. Có lẽ một phần khi đó các con cũng đã lớn.
Cha chỉ khuyên tôi, khi nhìn một người phải nhìn vào ưu điểm của người ta, đừng nhìn vào khuyết điểm”, bà Xuân Thảo nhớ lại.
Sau đó, bà kể rất nhiều về các kỷ niệm ngày còn trẻ với cha mình, nhất là quãng thời gian sau giải phóng, cụ Huỳnh Tấn Phát ra Hà Nội đảm đương nhiều trọng trách lớn của đất nước.
Bà Xuân Thảo bảo những năm tháng ấy đất nước rất khó khăn, thiếu thốn nên gia đình không có điều kiện gặp nhau nhiều. Chỉ những dịp cuối năm tết đến, cha bà được về TPHCM thăm gia đình vài ngày thì gia đình mới có dịp gần gũi ông.
Cũng theo bà Huỳnh Xuân Thảo, dù từng giữ những cương vị lãnh đạo rất cao nhưng cha là người liêm khiết, tới cuối đời cũng không có nhiều tài sản vật chất để dành cho vợ các con ngoài khoản tiền lương Nhà nước cấp. “Cha từng giữ chức vụ cao nhưng khi về hưu, cha không có tài sản nào để lại cho anh em chúng tôi. Ngay cả căn nhà cha ở nhiều năm ngoài Hà Nội (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, nay là trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam) cha cũng trả lại ngay cho Nhà nước khi bệnh nặng, chuyển vào Nam những tháng cuối đời. Lúc đó mẹ và các con có ngỏ ý cha làm đơn xin Nhà nước một căn nhà nhỏ nhưng cha kiên quyết từ chối. Khi mất, cha không có một căn nhà chính thức của riêng ông”.
Mặc dù không để lại cho vợ con căn nhà to lớn nhưng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã để lại cho cuộc đời rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị, tới tận ngày nay vẫn còn được sử dụng. Đó là các công trình như: Bệnh viện mắt TPHCM (xây dựng năm 1938, tên cũ là Dưỡng đường Saint-Paul, Quận 3) hay Câu lạc bộ Thủy quân (xây năm 1940) nay là Văn phòng Chính phủ tại TPHCM (Quận 1), Nhà hát Hòa Bình xây năm 1983, nay ở Quận 10 cùng nhiều biệt thự rộng lớn khác ở khu vực phía Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, mặc dù phải giữ các chức vụ quan trọng khác nhưng ông vẫn dành thời gian chỉ đạo thiết kế nhiều công trình như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội… Dù chỉ đạo nhưng dáng dấp của những công trình này vẫn mang đậm phong cách thiết kế của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, vững chắc và khoáng đãng, nhiều ô cửa.
Quỹ học bổng dành cho kiến trúc sư tương lai
Bà Xuân Thảo cũng kể lại rằng, lúc cha và mẹ bà còn sống thì gia đình bà cũng được ở trong một căn nhà khá rộng trên đường Ngô Thì Nhiệm (Quận 3) do Nhà nước cấp.
Sau đó khoảng đầu những năm 2000, căn nhà được bán hóa giá (trong đó có 200 m2 của gia đình) nhưng vì không đủ tiền mua lại toàn bộ ngôi nhà nên gia đình nhờ một người bạn của cha để mua lại.
Nhờ có một phần tiền đó, bà Bùi Thị Nga chia cho các con và giữ lại một phần để làm quỹ học bổng cho những học sinh nghèo và mua một căn nhà khác nhỏ hơn để sinh sống (căn nhà trên đường Lê Ngô Cát).
Theo bà Xuân Thảo, cha và mẹ bà không chỉ là vợ chồng mà còn là người có cùng tư tưởng, chí hướng, gắn bó với nhau trong rất nhiều hoạt động cách mạng. Thuở trẻ, bà Bùi Thị Nga cũng tham gia hoạt động cách mạng như chồng, lúc thì công khai, lúc thì bí mật và cũng từng bị giặc bắt tù đày.
Sau ngày đất nước thống nhất, bà cũng giữ một số cương vị lãnh đạo ở TPHCM như Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM. Khi chồng mất, bà Bùi Thị Nga cùng các con có nguyện vọng thành lập quỹ học bổng mang tên Huỳnh Tấn Phát nhưng phải tới năm 2007, quỹ học bổng mới chính thức được thành lập. Lúc này bà Bùi Thị Nga cũng đã qua đời.
Chia sẻ thêm về quỹ học bổng mang tên Huỳnh Tấn Phát, bà Xuân Thảo bảo đó là tâm nguyện của cha và mẹ bà lúc sinh thời.
“Những ngày còn nhỏ, cha tôi cũng nhận được một số học bổng để có thể theo đuổi con đường học hành, từng tốt nghiệp Thủ khoa ngành Kiến trúc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngoài Hà Nội nên cha rất muốn giúp đỡ những người trẻ có năng khiếu nhưng không đủ tiền bạc để học hành.
Do thời của cha đất nước còn khó khăn nên tâm nguyện đó chưa hoàn thành. Sau này gia đình đã quyết định thực hiện tiếp ý định của cha và mẹ lúc sinh thời”, bà Xuân Thảo chia sẻ.
Theo bà Xuân Thảo, sau 16 năm hoạt động, quỹ học bổng mang tên cụ Huỳnh Tấn Phát đã giúp đỡ trực tiếp bằng tiền bạc cho hơn 300 sinh viên của ngành Kiến trúc, ở nhiều trường đại học khắp cả nước.
Theo đó, quỹ học bổng có điều kiện là các bạn trẻ đã thi đậu ngành kiến trúc, có kết quả học tập năm thứ nhất và gia đình thuộc diện hộ nghèo. Do hồ sơ gửi về quỹ của các bạn trẻ thường nhiều hơn số tiền mà quỹ có thể cung cấp nên đại diện quỹ cũng có phỏng vấn trao đổi thêm với các sinh viên để quyết định mức hỗ trợ.
Hiện quỹ hỗ trợ khoảng 23 triệu đồng mỗi năm cho các sinh viên có thành tích học giỏi, với các thành tích khác, mức hỗ trợ giảm đi… Ngoài hỗ trợ trực tiếp khoản tiền như trên, quỹ cũng hỗ trợ cho các sinh viên ngành kiến trúc một số chương trình dạy học tiếng Anh, học đồ họa, thiết kế hay các kiến thức chuyên ngành khác.
Nhìn chung, quỹ là người bạn đồng hành đáng tin cậy của những sinh viên ngành Kiến trúc khó khăn, có đam mê theo đuổi con đường kiến trúc mà gần 100 năm trước, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từng đi.
Bà Xuân Thảo dẫn chúng tôi sang một căn phòng nhỏ rộng chừng 40 m2, có chiếc bàn gỗ kiểu cũ và ghế gỗ.
Bà bảo đó là bộ bàn bàn ghế lúc sinh thời cụ Huỳnh Tấn Phát nhiều năm ngồi làm việc. Ngoài ra còn có rất nhiều các món đồ thủ công mỹ nghệ mà bạn bè, đại sứ quán, lãnh đạo các nước (chủ yếu thuộc khối Xã hội chủ nghĩa trước đây) tặng cho cụ trong những chuyến công tác, ngoại giao. Tất cả đều được bà cất giữ cẩn thận, nâng niu, gìn giữ để cho các thế hệ sau của gia đình.
Tháng 2/2023, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Tấn Phát. Theo Ban tổ chức, nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát có một vai trò quan trọng trong những thời khắc quan trọng của đất nước, đặc biệt là giai đoạn 1945-1975 ở miền Nam Việt Nam. Ông được đánh giá là một trong những người con ưu tú của mảnh đất Bến Tre. Hiện tên ông được đặt cho nhiều tuyến đường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế…