Quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) nổi tiếng khắp nơi nhờ vẻ đẹp riêng. Năm nay, nhằm thu hút khách hàng, nhiều nghệ nhân làng quất Tứ Liên lại tạo ra hàng loạt "siêu phẩm" quất ghép trên thân gỗ lũa có dáng thế đẹp. Quất trồng trên gỗ lũa thường mất hàng năm trời uốn nắn theo quá trình phát triển của cây mới có thể cho ra được thế đẹp, độc, lạ và để đến người chơi phải chăm sóc từ 4 - 6 năm. Ông Trương Hữu Sử trú tại Đông Anh, Hà Nội cho hay, năm nay gia đình ông muốn tìm một cây quất để trang trí tại nhà thờ họ để có không khí Tết. Dự định tìm cây quất ghép gỗ lũa với giá 60 triệu đồng. "Gỗ lũa không chỉ là loại gỗ thể hiện giá trị kinh tế mà còn tạo ra nhiều sự khác biệt trong tạo hình bonsai, nâng cao tính thẩm mỹ và mang đến cho người thưởng thức cảm xúc về một sự sống. Đặc biệt cây bonsai lũa tạo hình độc lạ vì vậy, gia đình tôi cũng muốn mua một cây để về trang trí dịp Tết Giáp Thìn 2024", ông Sử chia sẻ. Theo một chủ vườn tại làng quất Tứ Liên cho biết, để sở hữu một chậu quất ghép gỗ lũa có giá dao động từ 5 đến 60 triệu đồng, thậm chí có cây hàng trăm triệu tùy vào tuổi thọ, kích thước, dáng thế của cây quất và chất lượng của gỗ lũa. Cây quất được trồng ghép với gỗ lũa có độ tuổi từ 3 đến 6 năm tuổi không quá nhỏ hoặc quá to. Gỗ lũa là một trong những loại gỗ được săn lùng nên rất có giá trị. Gỗ lũa thường là phần gốc, phần lõi cứng nhất, bền nhất của các loại cây gỗ tự nhiên cổ thụ lâu năm, tùy theo loại gỗ mà có giá trị khác nhau. Việc chăm sóc cho những cây quất ghép gỗ lũa yêu cầu đặc biệt hơn so với cây quất cảnh trồng thông thường. Bởi ngay cả việc tưới nước và bón phân phải phù hợp với từng cây để đảm bảo cây phát triển tốt cùng với thân và tạo đúng thế người trồng mong muốn.
Lê Khánh