Kinh tế

Lực đẩy cho nền kinh tế 2024

H.Hương (thực hiện) 02/01/2024 17:48

Dự báo nền kinh tế năm 2024 vẫn phải đối mặt với những khó khăn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với các chuyên gia kinh tế: TS Cấn Văn Lực, TS Nguyễn Minh Phong và GS.TS Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội).

anhbaichinh.jpg
Vẫn cần rất nhiều trợ lực về chính sách để nền kinh tế năm 2024 có thể bứt phá. Ảnh: Quang Vinh.

Bệ phóng cho năm 2024

PV: Thưa các chuyên gia, nền kinh tế năm 2023 trải qua nhiều thách thức từ các yếu tố địa chính trị, thiên tai, tuy nhiên vẫn ghi nhận những kết quả tích cực và đây có thể được coi là điểm tựa cho năm 2024. Các chuyên gia có thể chia sẻ góc nhìn của mình?

mr-can-van-luc.jpg

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực: Trong khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng trên 5%, đặc biệt kinh tế từ tháng 6 cho đến cuối năm 2023 đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét, một phần là nhờ xuất khẩu và đầu tư cả trong và ngoài nước.

Hiện nay tình hình kinh tế vĩ mô khá ổn định, mới đây tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã quyết định nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam, triển vọng ổn định, yếu tố này chắc chắn tác động tích cực đến đầu tư, thương mại thời gian tới.

Bên cạnh đó, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng chuyển biến rất tích cực, đặc biệt trong ngành dệt may, điện tử, năng lượng cũng như ngành nông nghiệp đang ghi nhận rõ nét những đổi thay.

Đáng chú ý, thể chế kinh tế của Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực, rất nhiều luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua mới đây và chuẩn bị thông qua, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giao dịch điện tử. Ngoài ra, cũng phải nhấn mạnh về công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng năm 2023 đã rất thành công.

mr-nguyen-minh-phong.jpg

TS Nguyễn Minh Phong: Chúng ta bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát an toàn lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 700 tỷ USD, trong đó, xuất siêu khoảng 15 tỷ USD (10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu lập kỷ lục 24,6 tỷ USD, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước); trong đó, ngành nông nghiệp đóng góp tới 38% tổng xuất siêu, với xuất khẩu nông sản tháng 10/2023 đạt 4,81 tỷ USD, tăng hơn 7% so với tháng 9/2023 và tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) nông sản đang đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa thị trường, tạo sức bật đối với những mặt hàng thế mạnh để bứt phá. Với việc có thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch từ Mỹ, trái dừa xuất khẩu sẽ nhanh chóng tham gia câu lạc bộ “tỷ USD”.

Xuất siêu lớn là yếu tố giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế, ổn định tỷ giá… Thứ hai, tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung và thu hút FDI của thế giới.

Đặc biệt, năm 2023 đang có làn sóng nhà đầu tư từ Anh, Mỹ và châu Âu mong muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, chip bán dẫn, thực phẩm, sản xuất kho bãi, tài chính ngân hàng…

Thứ ba, nhiều bứt phá trong cải thiện cơ cấu kinh tế và vị thế quốc tế. Cụ thể truyền thông số, thanh toán số và kinh tế số cũng là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam nhờ sự ủng hộ của Chính phủ, đầu tư từ các ngân hàng thương mại, sự phổ biến rộng rãi của mã QR và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Giải ngân vốn đầu tư công tăng so với năm trước, góp phần khởi công và hoàn thành nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho đất nước, trong đó có việc đưa gần 700km đường bộ cao tốc vào sử dụng.

Đó là những điểm sáng của nền kinh tế mà chúng ta cần ghi nhận.

ong-cuong.jpg

GS.TS Hoàng Văn Cường: Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn thì kinh tế Việt Nam tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong 3 quý vừa qua khá ổn định: quý I/2023 tăng 3,32%; quý II/2023 tăng 4,14%; quý III/2023 tăng 5,33%. Kết quả này đem đến kỳ vọng năm 2024 sẽ tiếp nối đà tăng trưởng. Năm 2023, tiệm cận đến 5% thì sang 2024 có thể tiệm cận đến 6% và 6,5%.

Bên cạnh đó những cơ sở vĩ mô để ổn định nền kinh tế đang hiện hữu. Trước hết là yếu tố lạm phát, lạm phát thế giới là một cơn gió ngược, trong khi tại Việt Nam, lạm phát được kiểm soát khá tốt. Năm 2023, chúng ta đưa ra mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4,5%, các dự báo đều cho thấy cả năm khả năng chỉ ở mức 4%, có nghĩa là lạm phát chúng ta kiểm soát ở dưới mức đặt ra.

Về yếu tố lãi suất, các quốc gia đều có xu hướng tăng thì tại Việt Nam, lãi suất liên tục giảm. Sau 4 lần giảm lãi suất liên tiếp, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị tiếp tục giảm. Yếu tố này cho thấy, việc kiểm soát thị trường tiền tệ là khá tốt, tỷ giá ổn định. Việc ổn định về thị trường tài chính tiền tệ sẽ giúp các nguồn lực đầu tư không bị rủi ro, như vậy sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư “rút hầu bao” để đầu tư.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến yếu tố nợ. Việt Nam xử lý vấn đề này khá tốt. Trên thế giới xuất hiện tình trạng có những tập đoàn rơi vào phá sản, nhưng tại Việt Nam, mặc dù nợ DN ở giai đoạn đầu năm 2023 đã có cảnh báo liên quan đến đáo hạn và trả nợ trái phiếu DN, song, giải pháp của Chính phủ trong kiểm soát nợ trái phiếu đã sốc lại thị trường, cho đến nay hầu như không còn tình trạng đe dọa nợ trái phiếu mà thậm chí thị trường trái phiếu DN bắt đầu phát triển trở lại, nợ DN đã được giải quyết.

Còn về nợ công, năm 2023, dự báo dưới 40% GDP, tức là giảm sâu so với trần nợ công cho phép. Tôi cho rằng, những yếu tố nội tại của chúng ta là khá vững để thúc đẩy phát triển.

Về thị trường thế giới cũng nhìn thấy có những thị trường đã bắt đầu khôi phục, do đó xuất khẩu đầu quý IV/2023 đã xuất hiện dấu hiệu các đơn hàng tăng lên.

Những điểm sáng như các chuyên gia chỉ ra là nền tảng tốt để kinh tế năm 2024 tăng trưởng?

TS Cấn Văn Lực: Đúng vậy, năm tới kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6 đến 6,5%, lạm phát hoàn toàn trong tầm kiểm soát khoảng 3,5% đến 4%.

GS.TS Hoàng Văn Cường: Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 được quyết định là 6-6,5%. Nếu so với mục tiêu đặt ra của cả nhiệm kỳ thì đây không phải con số cao vì mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 chúng ta đặt ra là khoảng 6,5-7%. Trong khi những năm đầu của nhiệm kỳ này, tốc độ tăng trưởng của ta chưa đạt được con số đó, như vậy, nhiệm vụ đặt ra cho những năm cuối nhiệm kỳ là rất cao và nặng. Chính vì vậy, 2024 cũng là một năm phải cố gắng hết lực để làm sao kéo tốc độ tăng trưởng phải tiệm cận gần đến “đích”.

Phải nhấn mạnh rằng, cơ hội đầu tư của Việt Nam là những cơ hội rất mới và rộng mở. Sự chuyển dịch của các dòng đầu tư thế giới sang các khu vực khác, trong đó có thị trường Việt Nam đang rất mạnh mẽ. Đặc biệt là đầu tư về công nghệ mới, điển hình là sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như công nghiệp bán dẫn thì Việt Nam là một trong những địa bàn có tiềm năng.

Rõ ràng đây là những cơ hội lớn và nếu chúng ta nỗ lực và hành động một cách phù hợp thì việc tạo ra đột phá mới, nguồn lực mới cho phát triển là hiện hữu.

Cần quyết liệt triển khai các giải pháp

Câu chuyện lạm phát, lãi suất, tỷ giá vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức. Bên cạnh đó là những xu hướng đang nổi lên như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng. Vậy, chúng ta cần chuẩn bị những gì?

TS Cấn Văn Lực: Nền kinh tế có nhiều động lực cho tăng trưởng cả năm 2023 và 2024, như: sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại; dịch vụ, tiêu dùng tăng khá; đầu tư công được đẩy mạnh, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn; lạm phát và lãi suất đang giảm, tỉ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát…

Năm 2024, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ nhưng Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6 - 6,5%. Trước đó, Quốc hội và Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu ở chỉ tiêu này. Về lạm phát không quá lo, đến tháng 11/2023 tăng bình quân 3,22% và cả năm là 3,3%, dự báo năm 2024 bình quân ở mức 3,5%, do giá cả hàng hóa còn cao, lượng cung tiền và vòng quay tiền sôi động hơn.

Mặt khác, thời kỳ khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua. Tôi muốn nhấn mạnh với thị trường này, DN phải chủ động minh bạch hóa thông tin chứ không phải cứ niêm yết DN đã là minh bạch hóa. Các thông tin về dự án, về bản thân chủ đầu tư cần phải rõ ràng, minh bạch hơn. Đó chính là yếu tố cốt lõi để có thể ổn định và phát triển bền vững thị trường này.

DN cần đặc biệt quyết tâm vượt qua áp lực tài chính, bao gồm tất cả nghĩa vụ liên quan đến nợ. Một mặt đàm phán để giãn hoãn nợ, một mặt cơ cấu lại tài chính để bảo đảm trả nợ đúng hạn. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, DN phải bán bất động sản ở mức chiết khấu thấp hơn để bảo đảm dòng tiền. Cùng với đó, chủ động trong tiến trình xanh hóa, số hóa, đây vừa là giải pháp trước mắt, vừa là biện pháp lâu dài để phát triển thị trường minh bạch và bền vững.

Dù vậy, vẫn còn những thách thức như: rủi ro về địa chính trị tác động đến lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu, du lịch. Lạm phát và lãi suất dù kiểm soát tốt nhưng vẫn ở mức cao, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đột phá, DN trong nước vẫn đang gặp khó về nhiều mặt (vướng pháp lý, đầu ra thị trường, nguồn lực), tái cơ cấu DN nhà nước, nhất là tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm…

Những vấn đề này đòi hỏi các DN phải đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao tính thích ứng, và nhất là nhanh chóng chuyển đổi theo hướng xanh hóa.

Để có được sự đột phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo đòi hỏi cần có những chính sách, chiến lược điều hành, phát triển kinh tế phù hợp nhằm tận dụng lợi thế từ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

GS.TS Hoàng Văn Cường: Theo tôi, chúng ta cần tháo gỡ một số điểm nghẽn lớn nhất là vấn đề liên quan đến thể chế. Nếu chưa giải quyết được những vấn đề về thể chế thì sẽ còn tình trạng "đóng băng" các nguồn lực đầu tư.

Cuối cùng là niềm tin của người dân, DN đối với thị trường, với nền kinh tế. Nếu chưa có niềm tin thì chắc chắn người dân sẽ chưa sẵn sàng bỏ tiền ra để tiêu dùng, các nhà đầu tư chưa dám “xuống tiền” để đầu tư cho sản xuất.

TS Nguyễn Minh Phong: Để gia tăng động lực tăng trưởng, vẫn nên giảm thêm lãi suất cho vay và đa dạng hóa thật nhanh các thị trường tiêu thụ và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, bên cạnh việc khơi thông những điểm nghẽn của các thị trường cũ.

Đặc biệt chú trọng vấn đề khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như từ hoạt động mở cửa và đặc biệt là đón nhận xu hướng tái định vị lại chuỗi cung ứng của thế giới ở khu vực, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến của các DN công nghệ cao.

Trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Tổ chức Fitch) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 7% nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào. Bên cạnh đó, việc tham gia vào mạng lưới FTA rộng khắp của khu vực và toàn cầu trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” sẽ tiếp tục thúc đẩy thu hút FDI mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.Theo đánh giá của Fitch, dự trữ ngoại hối của Việt Nam dần cải thiện sau mức giảm mạnh trong năm 2022 và sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2024, 2025, phản ánh dòng vốn quay trở lại và thặng dư thương mại lớn hơn.

Các mục tiêu được đưa ra trong năm 2024:

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%; Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ; Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%...

H.Hương (thực hiện)