Tiêu chuẩn hóa kỳ thi, đánh giá đúng năng lực của người học
Về việc Bộ GDĐT vừa công bố về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ chỉ còn 4 môn, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng đổi mới thi cử là một công việc rất khó mà ngành giáo dục vẫn loay hoay nhiều năm nay.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Khuyến, với những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ GDĐT đã công bố, bước đầu như vậy là thành công. Lý do là vì những cải tiến này trước hết phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29. Đó là làm giảm nhẹ áp lực thi cử, giảm bớt sự vất vả của thí sinh, phụ huynh. Trước đây kỳ thi này dồn dập nhiều môn, tổ chức gây tốn kém, căng thẳng cho cả thí sinh và phụ huynh, thậm chí nhà trường. “Tôi đánh giá, đổi mới này xuất phát từ người học”.
Thứ hai, những đổi mới này phù hợp với thông lệ quốc tế. Thi bằng hình thức trắc nghiệm có kết hợp với tự luận là phù hợp với một kỳ thi đại trà dành cho số đông học sinh, cụ thể là khoảng 1 triệu thí sinh. Cách làm này vừa giảm tải trong việc tổ chức thi cử và chấm bài, công bố kết quả sẽ nhanh hơn và vẫn đánh giá được năng lực của học sinh. Nhìn từ phía học sinh, thi tự luận cũng rất vất vả. Phương pháp làm đề thi như những năm gần đây là tiêu chuẩn hóa phù hợp với giáo dục phổ cập, mục tiêu chính là nhằm đánh giá học sinh sau 12 năm học.
“Tuy nhiên, hỏi rằng kỳ thi đã hay chưa, tôi cho rằng vẫn chưa hay nhưng đã đi đúng. Cần tiếp tục cải tiến, thay đổi, điều chỉnh theo hướng kỳ thi tiêu chuẩn hóa, đánh giá đúng năng lực của người học. Đừng vì sức ép của bất kỳ điều gì mà đổi mới nửa vời, trở thành “đẽo cày giữa đường” - ông Khuyến nói và thêm rằng hoan nghênh định hướng đúng, còn chưa thật trọn vẹn thì phải làm cho nó trọn vẹn.
PV: Xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có một số ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi này. Nhất là khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hiện nay ở nhiều địa phương đạt trên 95%. Quan điểm của ông về vấn đề này?
TS Lê Viết Khuyến: Tôi cho rằng thời điểm này bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là chưa hợp lý vì bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn đó, tiêu cực nơi này nơi kia vẫn có. Nếu bỏ kỳ thi này thì 12 năm học sẽ “trơn tru”, rất khó đánh giá chất lượng thực sự của học sinh phổ thông do mỗi địa phương, thậm chí mỗi trường lại có cách đánh giá riêng, không thống nhất. Tình trạng làm đẹp học bạ ở một số nơi cũng xảy ra, thể hiện ở sự chênh lệch rõ nét khi Bộ GDĐT thực hiện đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ.
Từ kinh nghiệm của những lần phát hiện tiêu cực trong kỳ thi ở nơi này nơi kia, có thể thấy gian lận là do tiêu cực, không phải do bản chất kỳ thi dẫn tới tiêu cực. Từ khi Thủ tướng Chính phủ giao người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm về kỳ thi, chúng ta thấy rằng kỳ thi được thực hiện rất nghiêm túc.
Riêng về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lên tới hơn 90%, tôi cho rằng vẫn chưa chuẩn, vẫn còn áp lực từ xã hội nên mới có con số cao như vậy. Theo tôi, tỉ lệ đỗ lần đầu nên là 70% và Bộ nên tổ chức kỳ thi nhiều lần mỗi năm để người học có cơ hội thi lại luôn, không mất cơ hội học ĐH hoặc học nghề ở năm đó…
Có ý kiến cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay không phục vụ cho việc tuyển sinh vào ĐH, kết quả không đáng tin cậy để sử dụng xét tuyển ĐH. Ông có đồng tình với quan điểm này?
- Tôi cho rằng điều này không đúng bởi với ĐH đại chúng, không phải ĐH tinh hoa thì việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH là hợp lý. Đề thi hiện nay đã được tiêu chuẩn hóa, chất lượng ngày càng được nâng lên và phù hợp với tuyển sinh đại trà của đa số các ngành đào tạo của trường ĐH đại chúng.
Với các ĐH tinh hoa chiếm từ 5-7% tổng số người học trong độ tuổi 18-22, tôi cho rằng nên khuyến khích tổ chức kỳ thi riêng để tuyển chọn được người có tài năng vượt trội. Hoặc với những ngành “hot” cung không đáp ứng được so với cầu thì có thể tổ chức thêm một kỳ thi thứ 2 để chọn người phù hợp chứ không phải tất cả các ngành, các trường đều phải tổ chức kỳ thi riêng.
Xu hướng hiện nay trường nào cũng tổ chức thi riêng là không lành mạnh, dễ nảy sinh tiêu cực.
Trân trọng cảm ơn ông!