Du lịch

Trái ngọt du lịch Việt

Hoàng Minh – Phạm Sỹ 02/01/2024 17:54

Năm 2023, ngành du lịch ngoài vượt chỉ tiêu đón 8 triệu khách quốc tế còn tạo được nhiều dấu ấn với hàng loạt giải thưởng quốc tế. Nhận định của các chuyên gia thì đó là những bước chạy đà “khởi động” cho hành trình chuyên nghiệp, xây dựng hướng đi bền vững trong tương lai của ngành công nghiệp không khói.

anh1.jpg
Ngành du lịch Việt Nam năm 2024 đứng trước nhiều cơ hội. Ảnh: Quang Vinh.

Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, khép lại năm 2023, du lịch Việt Nam ước đạt đón hơn 12,5 triệu khách quốc tế với tổng thu hơn 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Không những vậy, hình ảnh du lịch Việt Nam cũng đã được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới.

“Hồi sinh” sau những khó khăn

Trở lại sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với hàng loạt khó khăn bủa vây như thiếu nguồn nhân lực, những rào cản trong chính sách visa, khó khăn về tài chính, cơ sở hạ tầng xuống cấp… không thể phủ nhận du lịch Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Lượng khách du lịch tăng theo thời gian và theo đó, ngành du lịch đã vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.

Điều này có được là nhờ sự nỗ lực vào cuộc, chung sức chung lòng của cơ quan quản lý và các doanh nghiệp (DN) lữ hành… Chưa bao giờ “sợi dây” gắn kết của ngành du lịch lại bền chặt, khăng khít như thời gian qua. Có thể kể đến các hoạt động, sự kiện du lịch đã được tổ chức sôi động trong cả nước tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi cả hoạt động du lịch nội địa và quốc tế. Chính sách về visa đã có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách du lịch. Hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới, đa dạng, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Cùng với đó là các động thái nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch như xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương...

Tổng Giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh thông tin, có 71,4% khách sạn tham gia khảo sát cho biết, tổng số lượt khách mà họ phục vụ đã tăng trên 100% trong năm 2023 so với năm 2022. Điều này cho thấy, khả năng hồi phục mạnh mẽ của thị trường khách sạn tại Việt Nam. Đánh giá về triển vọng của ngành du lịch - khách sạn năm 2024, ông Vinh cho hay, ngành du lịch phấn đấu sẽ đạt mục tiêu đón 14 -15 triệu lượt khách nếu không có vấn đề bất ngờ phát sinh. Qua khảo sát DN ngành du lịch-khách sạn, có đến 66,7% số DN cho rằng triển vọng ngành này sẽ khả quan hơn trong năm 2024.

Và với những nỗ lực nói trên, du lịch Việt Nam đã gặt hái được nhiều “quả ngọt” trong năm qua. Mới đây nhất, tại Lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards – WTA) đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” năm 2023. Việt Nam đã vinh dự được nhận giải thưởng này 3 lần trước vào năm 2019, 2020 và 2022. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhận được “cơn mưa” các giải thưởng được trao cho một số thành phố, điểm đến.

Cũng trong năm 2023, nhiều hãng truyền thông, chuyên trang quốc tế cũng đã “xướng tên” du lịch Việt Nam nhiều hạng mục xếp hạng, bình chọn. Theo công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam đã liên tục tăng trong top đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6. Tạp chí du lịch Travel+Leisure đã vinh danh Hội An và TP Hồ Chí Minh trong danh sách 15 thành phố được yêu thích nhất châu Á năm 2023. Tờ Independent của Anh đã xếp Việt Nam vào danh sách 7 quốc gia tốt nhất để đến thăm ở Đông Nam Á…

Nhìn lại hành trình “hồi sinh” của du lịch Việt Nam trong năm 2023, nguyên Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hoàng Thị Điệp nhận định, những giải thưởng danh giá nói trên là sự ghi nhận của bạn bè, đối tác quốc tế trên toàn thế giới đối với du lịch Việt Nam. Đây là động lực để ngành du lịch tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.

Tìm hướng phát triển bền vững

Thực tế cho thấy, sau những khó khăn bởi dịch bệnh, du lịch Việt Nam đang có bước phát triển rộng khắp, thậm chí nhiều địa phương vốn trước đó khá “thờ ơ” cũng đã “bắt tay” làm du lịch. Đặc biệt, nhiều điểm đến như Ninh Bình, Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai), Hòa Bình… ngày càng thu hút du khách với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Trong đó, điểm đến Tam Cốc và Tràng An (Ninh Bình) được nhiều du khách nước ngoài tìm đến với mong muốn khám phá những sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương này.

Chị Hoàng Thu Hường, chủ một homestay ở Tràng An (Ninh Bình) cho biết, homestay của chị có 15 phòng nhưng kể từ thời điểm khai trương đến nay (tháng 3/2022), hầu như ngày nào (kể cả ngày thường lẫn cuối tuần) đều ở tình trạng “cháy phòng”. “Chủ yếu là khách Tây, họ đến từ nhiều quốc gia như Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Anh... họ thích cảnh rừng núi và ruộng đồng, thích đi xe đạp khám phá xung quanh núi và chúng tôi đã và đang đáp ứng được các yêu cầu của du khách. Thế nên họ đến và khi trở về là đánh giá 5 sao, rồi còn giới thiệu thêm bạn bè” – chị Hường vui vẻ cho biết.

Đến điểm du lịch Tràng An và Tam Cốc của Ninh Bình, không khó để nhận thấy sự đổi thay của vùng đất du lịch này, đó là đâu đâu cũng thấy các sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng. Các nhà hàng, quán xá mọc lên khiến một Ninh Bình trước kia lặng lẽ là thế, nay bỗng sầm uất, náo nhiệt, nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, thì sự bùng nổ của du lịch cũng bộc lộ nhiều điểm cần phải “nắn chỉnh”.

Theo Phó Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) Tưởng Hữu Lộc, điểm mạnh của ngành du lịch nước nhà là chúng ta có đầy đủ các thể loại di sản từ vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên… Tuy nhiên bên cạnh đó cũng bộc lộ điểm yếu. Khi sự hiểu biết và khai thác dựa trên nền tảng di sản của chúng ta chưa thực sự chuyên nghiệp và có sự đầu tư bài bản. “Hiện, đa số chúng ta đang khai thác theo mô típ truyền thống mà chưa thể tạo ra được những trải nghiệm mang tính tầm cao và có thể tạo ra những giá trị lớn hơn” – ông Lộc nói. Nhiều nơi có di sản, đang thực hiện khai thác mà chưa hình dung được việc bảo tồn phong cách sống, văn hóa truyền thống.

Có thể nói, vướng mắc trong phát triển bền vững của của du lịch Việt Nam vẫn là những bất cập đã tồn tại trong nhiều năm năm qua. Chưa kể, sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam cũng để lại những “vết gợn” khi tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực của ngành.

Hướng tới một năm 2024 với những kỳ vọng của du lịch Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, sẽ phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn để hình thành các vùng liên kết, động lực tăng trưởng du lịch; tăng cường quản lý khu, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa cho phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Theo Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý lưu trú du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách, quy định đối với các cơ sở lưu trú du lịch, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở lưu trú du lịch; yêu cầu các địa phương cập nhật công khai danh sách các cơ sở đủ điều kiện, các loại hạng đã được công nhận; hỗ trợ các cơ sở lưu trú trong công tác chuyển đổi số; hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị khách sạn, kỹ năng nghề cho cán bộ quản lý, nhân viên...

Hoàng Minh – Phạm Sỹ