Một chặng đường xã hội hóa giáo dục
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, một trong những yêu cầu đặt ra là làm thế nào để thực hiện hiệu quả, đúng hướng xã hội hóa giáo dục.
Xã hội hóa không phải là phụ huynh đóng góp
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhìn nhận những vấn đề tồn tại, hạn chế, trong đó có vấn đề chi ngân sách giáo dục chưa đạt mức tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.
Ngay cả khi ngân sách nhà nước chưa đạt mức tối thiểu đó thì phần lớn là chi lương và chế độ cho giáo viên. Tại các trường học, nguồn kinh phí thu không đủ chi.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn- nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Khoa giáo Trung ương, vấn đề xã hội hóa giáo dục đang bị khá nhiều người hiểu sai. Đảng và Nhà nước yêu cầu xã hội hóa giáo dục là những vấn đề lớn, mong muốn có nhiều lực lượng xã hội tham gia đóng góp, xây dựng ngành giáo dục, chia sẻ những khó khăn với ngành giáo dục, quản lý ngành ngày một tốt hơn chứ không phải xã hội hóa giáo dục đơn giản là “phụ huynh đóng góp”.
Lạm thu và tiền trường vẫn bị đánh tráo khái niệm xã hội hóa giáo dục, lâu nay luôn là mối bận tâm của phụ huynh. Năm nào trước thềm năm học mới, ngành giáo dục cũng ra công văn yêu cầu minh bạch về các khoản thu – chi; truyền thông cũng vào cuộc nhưng tình trạng lạm thu vẫn tái diễn, biến tướng và núp dưới tên gọi khác nhau, hình thức thu tiền khác nhau. Thậm chí việc thu tiền qua các loại app khiến phụ huynh khó giám sát.
Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, TS Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nay là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Việt Nam nhận định: Việc đổi mới giáo dục còn chắp vá và thiếu đồng bộ, cá biệt có những việc làm chưa phù hợp tinh thần Nghị quyết 29, kết quả đổi mới đạt được không đáng kể. Đơn cử như trước đây ta đã có loại hình trường dân lập. Những năm sau này lại chủ trương không còn dân lập nữa. Nhiều trường dân lập bị buộc phải chuyển sang tư thục, tức là thực hiện tư nhân hóa các trường ấy. Trường tư cũng tốt, nhưng tại sao phải tư nhân hóa trường dân lập? Có ý kiến cho rằng, vì thấy có một số trường gọi là dân lập nhưng thực tế là tư nhân nên cần có chủ trương như vậy. Trong khi loại trường không vì mục đích lợi nhuận đang phát triển ở nhiều nước phát triển, qua quá trình tích lũy và hiến tặng không hình thành sở hữu tư nhân, cũng không phải sở hữu nhà nước, là của cộng đồng thì sẽ là trường dân lập (không phải tư thục như cách đang hiểu ở Việt Nam).
Các chuyên gia cho rằng, một trong những hình thức xã hội hóa trong giáo dục hiện nay đang được phổ biến trên phạm vi cả nước là dạy liên kết các môn tự chọn. Do đó, để phát huy vai trò của các bên cũng như tạo điều kiện để hình thức xã hội hóa này đi đúng mục tiêu và đem lại lợi ích, hiệu quả cần xây dựng cơ sở pháp lý cụ thể.
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 có nội dung triển khai dạy toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, liên kết dạy tiếng Anh trong trường phổ thông đã huy động nhiều doanh nghiệp tham gia quá trình đưa các chương trình, phương pháp giảng dạy mới của thế giới vào Việt Nam. Chương trình xã hội hóa này đã giải quyết thực trạng nhiều nhà trường thiếu giáo viên (đặc biệt là giáo viên có chất lượng), thiếu công nghệ dạy học, thiếu chương trình có bản quyền…
TPHCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xã hội hóa trong giáo dục, đặc biệt là tổ chức xã hội hóa trong các môn tự chọn, dạy liên kết như tiếng Anh tăng cường, STEM (môn học tích hợp đa lĩnh vực), rèn kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa… TS Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) nêu quan điểm: Thực tế triển khai đã chứng minh mô hình hợp tác công - tư trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích lớn. Nhưng khi thực hiện, chúng ta cần tránh vơ đũa cả nắm, phản biện đúng mực để khích lệ những người làm giáo dục.
Hướng tới đại học phi lợi nhuận
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, điều đáng mừng là hiện đã có nhiều tập đoàn lớn với nguồn lực kinh tế mạnh mở ra hệ thống trường phổ thông liên cấp, trường ĐH. Đây chính là sự phát triển của xã hội hóa giáo dục khi nhiều trường ngoài công được thành lập, thu hút thêm nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, kéo theo sự giảm đi đáng kể chi tiêu công.
Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra: trường ĐH tư thục ở Việt Nam hoạt động có phi lợi nhuận khi doanh thu tổng kết có trường lên đến nghìn tỷ đồng? Làm thế nào để bảo đảm hài hòa các chủ thể liên quan và đặc biệt là việc bảo đảm nâng cao chất lượng nền giáo dục đào tạo, tránh hiện tượng “tự sinh tự dưỡng” để tồn tại của không ít cơ sở giáo dục, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thương mại hóa, chạy theo lợi ích kinh tế trong giáo dục ĐH?
Chính sách xã hội hóa giáo dục đã bước đầu đem lại hiệu quả song cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là soi chiếu từ một số trường ĐH có doanh thu lên đến nghìn tỷ đồng/năm chủ yếu từ nguồn thu học phí. Một thống kê mới cho thấy hiện cả nước có 67 trường ĐH tư thục, chiếm 27,6% tổng số trường ĐH trên cả nước. Thống kê về doanh thu của các trường ĐH năm 2022 cho thấy, trong danh sách 9 ĐH có doanh thu nghìn tỷ có 4 trường tư thục. Trong đó, Trường ĐH Văn Lang có tổng thu lớn nhất khối ĐH với 1.758 tỷ đồng, trường đứng thứ hai về doanh thu là Trường ĐH Kinh tế TPHCM (hơn 1.443 tỷ đồng). Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có tổng thu 1.162 tỷ đồng năm 2022, trong đó 1.141 tỷ đồng từ nguồn thu học phí. Trường ĐH FPT đạt gần 1.300 tỷ đồng…
Tại các trường ĐH công lập chưa tự chủ, học phí thường được tính 50% từ người học và 50% còn lại là từ ngân sách nhà nước. Dù rất khó khăn nhưng đã 3 năm liên tiếp nhiều trường ĐH công lập không tăng học phí. Bộ GDĐT vẫn bảo đảm chi thường xuyên cho giáo dục ĐH, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục ĐH. Đồng thời đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường. Trong khi đó, các trường ĐH tư thục trong bối cảnh tất cả chi phí đều tăng, học phí lại là nguồn thu chính nên khó có thể giữ học phí ở mức thu cũ, nếu muốn giữ chân và thu hút đội ngũ giảng viên, giáo viên. Đặc biệt, với những trường còn đang đi thuê mướn cơ sở vật chất, chi phí đầu vào tăng cao nên không ai khác ngoài người học sẽ gánh những khoản này… Các chuyên gia cho rằng, ĐH tư thục ở Việt Nam, với cách hoạt động như một doanh nghiệp do tư nhân góp vốn và sở hữu, đã bị chi phối bởi mục đích vì lợi nhuận nhiều hơn là phục vụ giáo dục.
Do đó để Việt Nam có ĐH phi lợi nhuận, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ Việt Nam cho rằng, chỉ khi nào các trường ĐH tư thục phát triển không chịu sức ép lợi nhuận từ các nhà đầu tư, tất cả lợi nhuận sẽ được trường tái đầu tư vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục và vận hành trường. Để làm được điều này, về mặt thể chế, hành lang pháp lý cần có những chính sách khuyến khích rõ rệt, mạnh mẽ hơn nữa để thu hút những mạnh thường quân, những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà.
TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm, trong Nghị quyết 29 có nói đến vấn đề xã hội hóa nhưng chưa nhấn mạnh được vai trò của các trường ngoài công lập, chưa tổng kết một cách khoa học về những mô hình trường cụ thể; chưa có sự hỗ trợ của nhà nước theo từng mô hình trường. Vì vậy, đã đến lúc cần phải tổng kết lại vai trò của xã hội hóa, vai trò của các trường ngoài công lập.
Số lượng các trường ngoài công lập đang có xu hướng gia tăng mỗi năm. Thống kê từ Bộ GDĐT, năm học 2022 – 2023, cả nước có 4.197 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập; Trong khi đó, năm học 2014-2015, cả nước chỉ có 2.410 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập. Tuy nhiên, hiện vẫn còn sự cạnh tranh không công bằng giữa các trường công lập và trường ngoài công lập.
TS Nguyễn Tùng Lâm