Nghệ thuật Việt Nam hội nhập quốc tế
Năm 2023 cho dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động nghệ thuật được cho là có nhiều thành tựu. Năm mới 2024 đã đến, chúng tôi ghi lại ý kiến của một số người trong cuộc.
NHẠC SĨ HUY TUẤN: Hozo Festival - kết nối nghệ sĩ
Năm 2022, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hozo (Hò Dô) có 50 phần trình diễn của 250 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, với 150 nghìn khán giả.
Hozo Festival là một địa chỉ để các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới lựa chọn làm điểm dừng chân trong các chuyến lưu diễn. Năm 2022, DJ Diablo chọn Hozo Festival là điểm cuối trong tour diễn vòng quanh thế giới của anh.
Mong muốn ban đầu của nhạc sĩ Huy Tuấn - Giám đốc Âm nhạc Hozo Festival là tạo ra một thương hiệu văn hóa mới cho TPHCM. Đây cũng là mong muốn của các cấp lãnh đạo thành phố trong việc phát triển văn hóa đi đôi với kinh tế, tạo ra sự cộng hưởng: vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hoá của người dân, vừa hút khách du lịch trong và ngoài nước. “Về lâu về dài, Hò Dô chắc chắn sẽ trở thành một trong những festival lớn của khu vực, xứng tầm với vị thế đầu tàu kinh tế của thành phố”. Nhạc sĩ Huy Tuấn nói khi Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hozo 2023 diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, TPHCM.
Chương trình bắt đầu từ tháng 9 và hết tháng 12/2023 mới kết thúc với 4 đêm công diễn Cảm hứng Hò Dô, 3 đêm chính hội Hozo Super Fest - chương trình phong phú đa dạng về thể loại âm nhạc cùng chất lượng nghệ thuật đỉnh cao.
“Với sự hiện diện của Hò Dô mỗi ngày một lớn hơn, chất lượng hơn, phải thấy rằng, cộng đồng các quốc gia đã có thâm niên tổ chức các festival âm nhạc ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam”, nhạc sĩ Huy Tuấn nói. “Hằng năm Hô Dô được mời tham gia khá nhiều festival âm nhạc tại châu Âu để giới thiệu, kết nối các nghệ sỹ trên thế giới”.
Lần đầu tổ chức Hozo, BTC chỉ có 3 tháng: “Chúng tôi vừa làm vừa va vấp. Có những việc rất lớn thì lại vượt qua dễ dàng. Nhưng có những thứ rất nhỏ thì lại tắc. Ví dụ có một yêu cầu của một nghệ sỹ về chiếc đàn organ chuyên biệt, chúng tôi đi tìm, mua, thuê mượn ở khắp các châu lục đều không có, vì lý do là loại đàn này không còn sản xuất, người có thì không cho thuê. Chúng tôi không thể giải quyết được vấn đề này. Cho đến tận tuần cuối cùng thì trời thương thế nào, tôi lại phát hiện trong kho của một đơn vị cung cấp nhạc cụ cho các nhà thờ trong nước còn một cây tương tự vẫn đang đắp chiếu, nhà thờ chưa tới nhận, giờ chỉ còn biết cầu trời là bên nghệ sỹ quốc tế đó đồng ý với phương án này, vì nó mới chỉ là gần giống cái model họ muốn, và họ đã đồng ý vào phút chót”, nhạc sỹ Huy Tuấn nói.
Muốn mọi việc được suôn sẻ và không có những phát sinh gây “đau tim”, theo nhạc sĩ Huy Tuấn, có duy nhất một cách là tiếp cận là ký hợp đồng với nghệ sĩ từ ít nhất trước đó 6 tháng và tiếp tục thương thảo: “Nhưng thường thì chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc ký kết các hợp tác tài trợ sớm như vậy nên luôn xảy ra câu chuyện con gà quả trứng, nhà tài trợ thì hỏi nghệ sỹ của anh có chưa, nghệ sỹ thì hỏi anh có kinh phí để ký hợp đồng chưa”.
Huy Tuấn nói, để mời các nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng biểu diễn, đầu tiên là cần có uy tín. Hầu hết các nghệ sỹ lần đầu tới Việt Nam, do chưa được biết nhiều tới nhà tổ chức chương trình nên họ rất thận trọng để đưa ra câu trả lời.
“Không phải cứ đáp ứng được kinh phí mà họ tham gia, họ chỉ tham gia khi cảm thấy tin tưởng. Nên với hầu hết các nghệ sỹ tôi đều phải trực tiếp làm việc để họ thấy được sự trân trọng, và quan trọng hơn là khi họ muốn thêm thông tin thì khi tra Google cũng thấy được mình ở trên đó, để tin rằng họ đang làm việc với một nhân vật có thật”, Huy Tuấn kể.
Nhưng theo anh, điều quan trọng hơn là vị thế của TP HCM. Để thuyết phục nghệ sỹ, anh thường trình ra các giấy tờ chỉ đạo thực hiện festival này từ các lãnh đạo TPHCM.
Theo nhạc sĩ Huy Tuấn, để Hò Dô trở thành điểm đến trên bản đồ âm nhạc thế giới, trước hết cần tập trung vào chất lượng, chau truốt từ những bước nhỏ bé. “Thế giới âm nhạc giờ không có biên giới nữa, chất lượng của các sản phẩm mới là sự quyết định bạn có đi xa hay không”, anh nói.
HỌA SĨ TRỊNH MINH TIẾN: Cơ hội giao lưu và kết nối
Họa sĩ Trịnh Minh Tiến đoạt giải "UOB Painting of the year" năm đầu tiên tại Việt Nam, hạng mục 'Nghệ sĩ thành danh' với tác phẩm Thủy phủ. Ngoài phần thưởng tiền mặt 500 triệu đồng, anh được tranh giải khu vực Đông Nam Á năm 2023 cùng đại diện Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Trịnh Minh Tiến bắt đầu sáng tác và tham gia một số dự án nghệ thuật đương đại như “Xanh Đỏ Vàng” do các nghệ sĩ Trần Lương, Trương Tân tổ chức. Sau đó, anh thử nghiệm các hình thức nghệ thuật mới từ khá sớm, khi còn là sinh viên năm thứ nhất tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm ban đầu của Tiến chủ yếu theo khuynh hướng biểu hiện trừu tượng - phong cách được đa số họa sĩ trẻ thời điểm đó theo đuổi. Đạt được một số ghi nhận nhất định, Trịnh Minh Tiến tổ chức và tham gia nhiều triển lãm nhóm. Năm 2008, anh gặp một số khủng hoảng và biến cố trong gia đình, quá trình sáng tác gặp bế tắc. Tiến nghỉ sáng tác gần hai năm và quay trở lại với một phong cách mới là thử nghiệm phong cách cực thực qua các tác phẩm chân dung tự họa bằng chì và súng phun sơn Airbrush.
“Tôi tự tìm tòi và thử nghiệm qua một số ấn phẩm quan trọng được mang về và qua mạng internet khi đó bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ”, họa sĩ Trịnh Minh Tiến chia sẻ. Những thử nghiệm ban đầu khá khó khăn với anh, bởi với những tác phẩm đó, thời gian và sự tỉ mỉ là chưa đủ, còn đòi hỏi kĩ thuật, tư duy sáng tác hoàn toàn khác với những phong cách trước đây, chưa có tiền lệ ở Việt Nam lúc bấy giờ. Chính điều đó hấp dẫn, thu hút Tiến.
Họa sĩ Trịnh Minh Tiến tham gia các họat động quốc tế qua các triển lãm nhóm và gần đây nhất là thông qua giải thưởng. Với Trịnh Minh Tiến, những lần như vậy giúp anh có cơ hội giao lưu, kết nối với các họa sĩ quốc tế và có cơ hội nhìn nhận các khuynh hướng sáng tác họ đang theo đuổi. Về cơ bản các họa sĩ quốc tế tìm tòi và thể hiện đa chất liệu, không hạn chế ở sơn dầu, acrylic, hay lụa sơn mài... “Trong khi đó, các họa sĩ của mình ít thay đổi, ngại tìm tòi thử nghiệm chất liệu mới lạ. Nói chung khá an toàn và câu chuyện cá nhân cũng không rõ ràng”, họa sĩ Trịnh Minh Tiến nói.
“Không kể các nghệ sĩ thực hành đương đại và một số nghệ sĩ có điều kiện học tập, sáng tác theo những khuynh hướng như trình diễn, sắp đặt, video art … Mỹ thuật Việt Nam đang còn một khoảng cách rất xa với dòng chảy mỹ thuật trong khu vực, chưa nói tới châu Á và lớn hơn là thế giới. Về cơ bản như những nhận định vui trước đây, nó vẫn đang ở trong một cái ao. Vậy nên những cuộc thi như “UOB Painting of the year” là rất cần thiết để nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội kết nối và mở rộng giới hạn và đường biên nghệ thuật căn cố của mình”.
Theo họa sĩ Trịnh Minh Tiến, nếu nói về hiện tại trong nước thì các nhà sưu tập mới, các gallery, không gian nghệ thuật mọc lên rất nhiều, đa dạng về hình thức và cách thức tổ chức. Không chỉ tư nhân, mỹ thuật hiện nhận được quan tâm rất lớn từ công chúng và các tổ chức cá nhân, tập đoàn lớn.
“Nhiều bảo tàng nghệ thuật tư nhân đang ấp ủ và hứa hẹn trong thời gian tới nhưng chất lượng, tác phẩm và họa sĩ tài năng hiện vẫn rất ít”, Trịnh Minh Tiến nhận xét. “Tôi nghĩ vẫn cần chọn lọc và lột xác, đào thải nhiều để dần tinh lọc lại. Tôi rất thích một ý của nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân: Lịch sử nghệ thuật là những gì còn đọng lại. Phải qua thời gian những gì có giá trị là vàng hay thau mới thấy rõ, hiện tại trăm hoa đua nở, tinh túy thì luôn ít và không dành cho nhiều người. Phần lớn mọi người sẽ đánh giá trên hệ tư tưởng, dấu ấn cá nhân tác giả, giá trị tác phẩm mang lại với sự thay đổi của công chúng trong dòng chảy văn hoá của dân tộc, lớn hơn là giá trị đóng góp cho dòng chảy nghệ thuật lớn của nhân loại. Bản thân những nhà sưu tập, giới chuyên môn và công chúng luôn có hệ quy chiếu khác nhau, có lúc tương đồng, có lúc không nhưng đã đa dạng hơn trước nhiều. Với tôi hiện nay mỹ thuật Việt Nam đang bị uy hiếp bởi tiền và số đông”.
Trịnh Minh Tiến với tác phẩm “Thuỷ phủ” đã được nhận giải thưởng "UOB Painting of the Year" năm đầu tiên tại Việt Nam, hạng mục 'Nghệ sĩ thành danh'. Tác phẩm “Thuỷ phủ”, Tiến dành cho triển lãm cá nhân cùng tên. Khi nhận được sự động viên của các con, anh mang tác phẩm dự thi và đoạt giải lớn nhất của cuộc thi. Quá trình sáng tác tác phẩm “Thủy phủ” là bước chuyển tiếp của Trịnh Minh Tiến, từ những hình ảnh di sản phản chiếu qua làn nước mưa trên kính ô tô. Cách thức sáng tác và phát triển trên nền tảng cực thực, thể hiện trên nắp capo ô tô bằng súng phun sơn Airbrush, giúp anh tái lập được hình ảnh và không gian trong tác phẩm của mình. “Đưa hình ảnh và câu chuyện đó vào một khoảnh khắc dung chứa không thời gian và không gian. Tôi gọi nó là siêu hiện thực: Đưa một trạng thái hình ảnh từ hiện thực vào một không gian siêu thực của riêng mình.”
Khi được tranh giải UOB Painting of the Year khu vực Đông Nam Á năm 2023 cùng các nghệ sĩ thắng giải ở Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, theo Tiến, đó là cơ hội để anh quan sát và tìm hiểu các họa sĩ trong khu vực đang quan tâm tới câu chuyện gì. “Với bản thân tôi, nghệ thuật luôn là hành trình đơn độc khám phá, phá vỡ tầng tâm thức bản thân và thông qua tác phẩm phản chiếu đời sống của chính nó. Giải thưởng đó quan trọng như là một sự ghi nhận, dấu ấn trong hành trình đó nhưng nó không quyết định được nghệ thuật. Nó mang cảm hứng và sự sẻ chia với xã hội nhiều hơn”.