Khơi thông vùng đất Chín Rồng
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành nối liền cao tốc từ TPHCM đến Cần Thơ, rút ngắn thời gian di chuyển, góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistics giữa TPHCM và Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cùng với hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm khác đang được triển khai, BBSCL đang được kỳ vọng sẽ có sức bật mới để phát triển đúng với tiềm năng của vùng.
Kết nối thông suốt 2 vùng kinh tế lớn
Nhà ông Tư Thao (82 tuổi) nằm ngay cạnh Quốc lộ 1, cách cầu Mỹ Thuận khoảng 2km. Dịp Tết âm lịch năm nào ông Tư Thao cũng thấy cảnh xe cộ kẹt cứng bởi dòng người từ TPHCM và các tỉnh miền Đông về quê ăn Tết. Hơn 20 năm trước, khi tuổi ngoài 60, ông Tư Thao chứng kiến sự kiện lịch sử - khánh thành cầu Mỹ Thuận. Còn 10 năm trước, ông cùng mấy bạn già đi xem khánh thành cầu Cần Thơ. Lúc này, toàn bộ tuyến đường huyết mạch quốc lộ 1 từ Cần Thơ lên TPHCM hoàn toàn thoát cảnh “qua sông phải luỵ phà”.
Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng, cao tốc TPHCM – Trung Lương ra đời rồi đến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, giảm tải cho Quốc lộ 1, rút ngắn thời gian di chuyển từ miền Tây lên TPHCM. Tuy nhiên, do còn thiếu mảnh ghép quan trọng chính là cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đã tạo nên đoạn "thắt cổ chai" của Tiền Giang và Vĩnh Long trên Quốc lộ 1 trong nhiều năm qua.
Ngày 24/12 vừa qua, khi tuổi đã ngoài 80, lần thứ 3 ông Tư Thao chứng kiến sự kiện khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông khẳng định chắc nịch với mấy đứa cháu mình rằng: “Tết này hết kẹt xe ở cầu Mỹ Thuận và trước nhà mình rồi”.
Đây không chỉ là niềm vui của ông Tư Thao mà là niềm vui chung của gần 20 triệu dân vùng ĐBSCL.
Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đều thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 có chiều dài gần 2km, được thiết kế 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Điểm đầu khớp nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và điểm cuối nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Còn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ qua địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp có chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Giai đoạn 1 được thiết kế với quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h.
Là địa phương thụ hưởng lợi ích từ cả 2 dự án, ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.
“Đối với tỉnh Vĩnh Long, 2 dự án này khi đưa vào khai thác, bên cạnh việc giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh; giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển từ TPHCM về tỉnh Vĩnh Long, còn giúp tỉnh tạo ra dư địa, không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư,… góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, còn có một ý nghĩa lớn hơn khi trong thời gian tới, các dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành sẽ gắn kết với các dự án này, hình thành trục cao tốc dọc và ngang của vùng, tăng tính kết nối của tỉnh Vĩnh Long đến các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển” - ông Ngời nói.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, việc khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thuận 2 sẽ giúp kết nối đồng bộ với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa; tạo liên kết đồng bộ để phát huy hiệu quả các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng trong vùng, là cơ sở để ĐBSCL phát triển trong thời gian tới.
Tiếp tục khơi thông điểm nghẽn
Theo quy hoạch, mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang.
Các trục ngang cao tốc của ĐBSCL gồm tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã được khởi công. Còn lại là các dự án cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Tuyến cao tốc trục dọc thứ nhất là cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 245km từ Long An đến Cà Mau. Với việc khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến cao tốc này đã nối liền từ TPHCM đến Quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) và tương lai sẽ kết nối với dự án cầu Cần Thơ 2 và cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Trục dọc thứ 2 là cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài 180km (từ Long An đến Kiên Giang). Trục dọc thứ 3 là tuyến cao tốc từ TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km.
Việc đầu tư mạng lưới 6 tuyến cao tốc trọng điểm tại khu vực ĐBSCL được kỳ vọng sẽ giúp miền Tây vươn mình phát triển, tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, nhu cầu cát quá lớn cho đắp nền cao tốc đã đặt ra bài toán khó giữa hoàn chỉnh hạ tầng giao thông và tác động lâu dài đối với môi trường trong bối cảnh cát sông ở ĐBSCL đang ít dần và có nguy cơ cạn kiệt.
Để chủ động nguồn vật liệu cát đắp nền phục vụ các Dự án hạ tầng giao thông trong khu vực ĐBSCL, phương án thay thế bằng cát biển và một số vật liệu khác đã được tính đến. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các đơn vị liên quan tổ chức thi công thí điểm cát biển. Công tác tổ chức thi công thử nghiệm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau đã được thực hiện với nguồn cát biển được khai thác tại khu vực mỏ thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Báo cáo mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải cho biết, vị trí thi công thí điểm thi công cát biển tại đường hoàn trả ĐT978 đã có kết quả kiểm tra chất lượng đáp ứng yêu cầu đối với đường cao tốc, không ảnh hưởng đến các giá trị quan trắc, không tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Tống Văn Nga - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cho rằng, xây cầu cạn được coi là một trong những giải pháp khả thi để khắc phục tình trạng thiếu cát sông, đất đắp nền cao tốc tại ĐBSCL.
“Hiện chúng ta hoàn toàn đủ khả năng làm chủ công nghệ làm cầu cạn. Xây cầu cạn, một mặt rất hữu ích trong việc thoát lũ, ngoài ra, xây cầu cạn diện tích chiếm dụng đất rất ít nên giải phóng mặt bằng nhanh. Phương án này cũng không ảnh hưởng gì khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Và quan trong nhất là duy tu bảo dưỡng sẽ rất ít so với việc đắp nền, trải bê tông nhựa lên trên” - ông Nga nói.
Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đều thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 có chiều dài gần 2km, được thiết kế 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Điểm đầu khớp nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và điểm cuối nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Còn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ qua địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp có chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng.
“Hiện tại giao thông ĐBSCL đã có bước phát triển đáng ghi nhận với nhiều dự án lớn đã hoàn thành. Tuy nhiên, để tiếp tục khơi thông điểm nghẽn, hạ tầng giao thông ĐBSCL cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa trong giai đoạn tới để tăng tính liên kết giữa không gian kinh tế vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ và TPHCM” – TS kinh tế Trần Hữu Hiệp.