Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu
Dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam là một nghề truyền thống. Để gìn giữ và phát triển nghề, những nghệ nhân Cơ Tu đã không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm với nhiều mẫu mã đẹp cũng như chú trọng đến việc truyền nghề con cháu.
Thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam được làm hoàn toàn bằng thủ công, từ các khâu nguyên liệu như trồng, hái bông đến nhuộm màu sắc, hay công đoạn dệt vải, tạo hoa văn… đến may thành sản phẩm. Những sản phẩm làm ra vô cùng tinh xảo, đẹp mắt cùng với chất lượng rất bền đã làm hài lòng khách hàng gần xa.
Nghề dệt thổ cẩm này đã có từ lâu đời, ăn sâu vào đời sống và tâm thức của người dân địa phương. Trước đây, nhiều nhà có khung dệt, nhưng theo thời gian giờ đây trên địa bàn huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam còn khoảng 100 người theo nghề, chủ yếu là phụ nữ và người lớn tuổi. Do đây là công việc phải trồng, hái bông trên nương rẫy, đem về còn những công đoạn như nhuộm màu đến dệt, tọa hoa văn, tốn nhiều thời gian nhưng mang lại thu nhập thấp nên lớp trẻ chuyển sang làm việc ở các công ty, xí nghiệp có thu nhập cao hơn.
Tại tổ dệt thổ cẩm truyền thống thôn Đhrôồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang, có khoảng 20 nghệ nhân đang miệt mài dệt nên những sản phẩm thổ cẩm. Họ dệt nên những sản phẩm đầy màu sắc, hoa văn đẹp mắt để cung ứng ra thị trường phục vụ cho khách hàng.
Chị chị Blong Thị Tơn (36 tuổi), ở xã Tà Lu cho hay: Dệt thổ cẩm hoàn toàn làm bằng thủ công, nguyên liệu phải vào rừng sâu để kiếm như bông, vỏ cây đem về kéo sợi, nhuộm và dệt nên những tấm vải. Muốn sản phẩm đẹp thì khâu nhuộm được coi là quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm, thẩm mỹ cao để pha màu sao cho đa dạng và hài hòa mới cho ra những sản phẩm ấn tượng.
Chị Bling Thị Têng ở xã Tà Lu cho biết, chị học và biết dệt từ năm 12 tuổi. Lúc đó thấy mẹ dệt nên cũng tập tành học theo. Đến khoảng 14 - 15 tuổi thì chị đã nắm bắt được những đường kim, mũi chỉ, và các hoa văn trên các sản phẩm thổ cẩm. Hiện nay, việc dệt thổ cẩm cũng từng bước khởi sắc trở lại, tuy nhiên đầu ra sản phẩm vẫn rất ít, phần lớn phụ thuộc vào khách đặt hàng. Nếu tính theo thu nhập để sống với nghề thì rất khó. Nhưng mọi người vẫn động viên nhau giữ nghề, vì đây là bản sắc từ xa xưa của cha ông để lại và hy vọng nghề này sẽ một ngày khởi sắc.
Theo Bà Bhling Treng - Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang) để phát huy nghề dệt thổ cẩm địa phương, bà đã đứng ra vận động cùng một số chị em thành lập tổ dệt Đhrôồng với mong muốn cải thiện thu nhập cho các chị em ở địa phương, đồng thời góp phần giữ gìn nét văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
“Mỗi khăn choàng phải dệt mất 3 ngày mới xong, nhưng tiền công chỉ có 100 nghìn đồng. Còn áo nam dệt cả tuần, nhưng bán chỉ khoảng 500 nghìn đồng chưa tính nguyên liệu. Vì thế tôi cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ quảng bá sản phẩm để nhiều người biết đến sản phẩm dệt thổ cẩm ở địa phương, còn chúng tôi luôn nêu quyết tâm để giữ nghề” - bà Treng nói.
Có một thực tế đáng mừng là việc dệt thổ cẩm nếu ngày trước, sản phẩm làm ra chỉ phục vụ cho gia đình, hoặc trang phục truyền thống cho những ngày lễ hội, thì hiện nay mẫu mã sản phẩm được đa dạng hơn, phong phú hơn và phục vụ cho nhiều khách hàng đến tham quan mua sắm.
Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, địa phương rất quyết tâm trong việc bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, nghề đan lát, chế biến rượu cần. UBND huyện đã có đề án phát triển văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn giai đoạn 2022-2025; đồng thời có các nghị quyết về việc khôi phục và phát triển các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống và các nghề thủ công khác tại địa phương.
“Chính quyền đang tích cực triển khai thực hiện việc kết nối du lịch đến các làng nghề, cùng với đó là đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của các làng nghề trên các nền tảng số và tại các hội chợ, triển lãm để đầu ra sản phẩm được tốt hơn, cải thiện thu nhập cho người dân và đồng thời góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương” - ông Tùng cho biết.