Đánh thức tiềm năng di sản công nghiệp
Việc bảo tồn và khai thác thông minh các di sản công nghiệp (DSCN) sẽ mang lại lợi ích rõ rệt cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Song việc phát triển các không gian sáng tạo ở nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn… Đó là chia sẻ của PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia.
PV: Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội diễn ra vào cuối năm 2023 được đánh giá là một trong những sự kiện góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về khái niệm DSCN. Bà đánh giá thế nào về sự kiện này?
PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan: Là một trong những người đầu tiên giới thiệu khái niệm DSCN ở Việt Nam và trong suốt hơn 3 năm qua, nỗ lực thúc đẩy nhận thức chung của xã hội về giá trị, ý nghĩa, và tiềm năng khai thác các DSCN một cách bền vững nhất, có thể nói sự kiện này là một thành công to lớn, có ý nghĩa bước ngoặt đối với tiến trình bảo tồn DSCN hiện nay.
Sự kiện mang đến trải nghiệm thực về không khí sống động, mang hơi thở đương đại của những không gian tưởng như xưa cũ, dễ dàng bị dỡ bỏ để nhường chỗ cho những công trình mới. Đó là một “thực chứng” đối với các nhà lãnh đạo, cơ quan chủ quản các công trình, giới văn nghệ sĩ, các nhà đầu tư và toàn thể cộng đồng xã hội về “di sản công nghiệp”. Các công trình công nghiệp cũ cần được giữ lại, dọn dẹp, cải thiện để sử dụng cho các chức năng mới, đặc biệt là những chức năng đòi hỏi quy mô không gian lớn.
Chúng tôi luôn tin rằng việc bảo tồn và khai thác thông minh các DSCN sẽ mang lại lợi ích rõ rệt cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho thành phố, cả trước mắt và lâu dài; góp phần nuôi dưỡng niềm tự hào và sự gắn kết của người dân với thành phố, với lịch sử thành phố; và củng cố sự độc đáo của Thủ đô Hà Nội.
Thưa bà, cần làm gì để thực sự đánh thức những DSCN trong thời gian tới?
- Còn quá sớm để khẳng định một cách chắc chắn về tương lai của các di sản này. Hà Nội là một thành phố sống động, lại là thành phố văn hóa, du lịch đặc sắc... Sức hấp dẫn của Hà Nội nằm ở chính động năng của nó. Người ta đến đây và cảm nhận được hơi thở gấp gáp cùng dòng chảy sáng tạo không ngừng trong thành phố. Bất cứ góc nhỏ nào ở Hà Nội cũng tràn đầy sức sống thì không có lẽ gì những không gian tuyệt vời như các di sản nói trên lại bị lãng quên.
Về lâu dài, để các không gian này có thể được khai thác tốt nhất, phục vụ đông đảo người dân và cộng đồng sáng tạo thì rất cần những cơ chế chính sách phù hợp để quản lý, duy trì, và chia sẻ lợi ích từ việc khai thác không gian một cách hợp lý, minh bạch và bền vững.
Vậy theo bà, cần có cơ chế chính sách như thế nào, có quy định ra sao để sử dụng, khai thác tốt hơn những DSCN?
- Hiện nay một hành lang pháp lý rõ rệt để bảo vệ các DSCN ở nước ta là chưa có. Luật Di sản mới chỉ quan tâm bảo vệ các di tích. Khái niệm DSCN chưa được khẳng định trong bất cứ văn bản pháp lý nào. Tuy nhiên, tôi tin sẽ có những thay đổi tích cực trong thời gian tới. Khi chúng ta đã có được một nhận thức rõ, nó sẽ dẫn chúng ta đến đồng thuận và cùng hành động. Đây là điểm mấu chốt, và tôi tin chúng ta đã đạt được một nhận thức chung.
Vậy cần làm gì để có được những bước tiến vững chắc hơn, thưa bà?
- Theo tôi, TP Hà Nội có thể áp dụng Luật Kiến trúc và đưa các cơ sở này vào danh mục các công trình kiến trúc có giá trị do thành phố rà soát và phê duyệt.
Sau khi chuyển các chức năng sản xuất công nghiệp đi, các cơ sở này sẽ được dùng vào việc gì nếu không bị dỡ bỏ để nhường chỗ cho các cao ốc chung cư như những gì đã thấy nhiều năm qua. Với thành phố đông dân như Hà Nội thì quỹ đất luôn khan hiếm, và luôn bị xâu xé giữa các nhu cầu khác nhau. Nhưng Hà Nội cũng là thành phố khan hiếm không gian công cộng vào loại nhất thế giới, cùng nhu cầu lớn ngày càng cấp bách về các không gian cho kinh tế văn hóa sáng tạo.
Cần đảm bảo quyền lợi của các cơ quan chủ quản các cơ sở công nghiệp này khi họ phải chuyển chức năng sản xuất công nghiệp ra ngoài. Nếu quỹ đất nhà máy không còn thuộc quyền quản lý của họ mà giao lại cho thành phố thì họ cần được cấp diện tích đất mới và được đền bù thỏa đáng để di chuyển chức năng sản xuất ra ngoài, duy trì và phát triển sản xuất tốt ở cơ sở mới. Nếu quỹ đất vẫn thuộc quyền quản lý của họ, nhưng đảm nhận chức năng mới, thì cần có cơ chế quản lý khai thác được đồng thuận và thể chế hóa, đảm bảo đạt được đa mục tiêu.
Trân trọng cảm ơn bà!