Cơ chế phải đủ sức giữ chân nhân tài
Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã đưa ra nhiều cơ chế để thu hút nhân tài, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012. Theo đó, HĐND TP Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài. Trên cơ sở quy định đó cũng như việc áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Nhưng thực tế mà nói Hà Nội mới chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chưa kể, số lượng người được tuyển dụng nói chung còn khiêm tốn so với số người thực tế thuộc các nhóm đối tượng được thu hút.
Để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra nhiệm vụ cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế. Vì thế, để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã thiết kế 2 khoản. Theo đó, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài; khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, trong đó có đưa ra các quy định về đối tượng, quy định các chính sách kèm theo.
Nhưng để thu hút được người tài làm việc cho Thủ đô là vấn đề đang đặt đặt ra trong thiết kế chính sách. Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, các nhóm chính sách thể hiện trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đều là các chính sách đột phá, vượt trội. Nhưng để các chính sách này đi vào cuộc sống thì Hà Nội phải thu hút, trọng dụng được nhân tài. Chính sách nhân tài của dự thảo luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng cần tiếp tục hoàn thiện, gắn với Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Cho rằng vấn đề đầu tiên cần phải xác định là thế nào là nhân tài? ông Tuấn cho hay, hiện vẫn đang có tình trạng tuyển chọn và sử dụng người thông qua bằng cấp. Tuy nhiên có nhiều người chỉ tốt nghiệp cử nhân nhưng họ có thể làm được rất nhiều việc để giải quyết điểm nghẽn, khó khăn trong từng lĩnh vực, từng ngành mà chưa ai làm được. Đây mới là người giỏi, người tài chứ không phải cứ thuần túy có học vị cao đã là người giỏi.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội là người từng góp ý kiến cho Luật Thủ đô 2012 và đến nay là dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đưa ra quan điểm: Một trong những nguyên lý để phát triển bền vững là phải có nguồn lực bao gồm tài chính và nhân lực. Nhân lực phải là người hiền tài.
Theo bà An, đây là vấn đề không chỉ Hà Nội đặt ra nhiều năm nay mà cả nước cũng đã đặt ra song chưa đạt được như mong muốn. Vì thế Luật Thủ đô sửa đổi cần thay đổi tư duy về tuyển chọn, đãi ngộ, quản lý. Người tài phải có chế độ đãi ngộ (vật chất và tinh thần) và quản lý đặc biệt. Nghĩa là tạo môi trường để họ thực hiện đam mê, ước mơ, hoài bão làm việc trong môi trường kỷ cương nhưng phải thoải mái và được tôn trọng mới phát huy và “giữ chân” được họ. Bởi nếu “thu hút” mà không “giữ chân” được thì thất bại. “Khi có người tài làm việc, cống hiến, giúp tăng năng suất mới thúc đẩy sự phát triển của Hà Nội” - bà An cho hay.
Bà An kiến nghị: Luật Thủ đô sửa đổi phải cho phép Thủ đô được “xé rào” trong thu hút, trọng dụng người tài. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyền tuyển trực tiếp, không phải qua thi tuyển, và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Thậm chí có quyền trả lương cho người tài cao gấp 5-7 lần so với quy định. Còn nếu chúng ta cứ sợ, không trao quyền cho lãnh đạo Hà Nội trong thu hút trọng dụng người tài thì rất khó khăn. Tuy nhiên, theo bà An, người đứng đầu phải đủ “tầm” mới nhìn được người tài, có đủ “tâm” mới nâng niu được người tài, không chèn ép họ, tạo điều kiện để họ cống hiến chứ không sợ họ vượt mình”.
Cùng quan điểm, ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần phải thu hút người tài, nếu không chất xám sẽ bị “chảy đi” hết, nhất là nguồn nhân lực của Thủ đô thì phải có nhiều người tài.
Nhắc lại cơ chế thu hút người tài đã được Hà Nội và nhiều nơi khác đặt ra như Đà Nẵng, hay TPHCM, song chính sách đưa ra đều chưa đạt được như yêu cầu đặt ra, ông Vinh cho rằng, Luật Thủ đô sửa đổi lần này phải có cơ chế chính sách “đủ sức” để thu hút.
“Đủ sức” - theo lý giải của ông Vinh là bởi: “Hiện có nhiều người Việt Nam tài giỏi nhưng đang sinh sống ở nước ngoài. Vậy họ không về nước làm việc do môi trường làm việc? hay do chính sách đãi ngộ, đối xử?. Cho nên thu hút về mà môi trường làm việc không tạo ra được “sức hút” thì họ cũng sẽ ra đi”.