Pháp luật

Hàng loạt cựu quan chức hầu tòa trong vụ Việt Á

Tinh Anh 04/01/2024 08:01

Ngày 3/1, liên quan đến vụ án Công ty Việt Á trục lợi từ dịch bệnh, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng... Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 20 ngày, kể cả ngày nghỉ.

anh-bai-tren(1).jpg
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: X.N.

Phiên tòa do Thẩm phán Trần Nam Hà làm Chủ tọa. Khoảng 70 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, riêng cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có 4 luật sư. Trong số 8 bị cáo được tại ngoại, Trần Thị Hồng (nhân viên Công ty Việt Á) có đơn xin xét xử vắng mặt do vừa sinh con và con đang điều trị bệnh. Tòa triệu tập 39 nhân chứng, 140 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và 24 nguyên đơn dân sự, gồm đại diện các Sở Y tế và CDC, bệnh viện đa khoa một số tỉnh.

Bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) bị xét xử với tội danh nhận hối lộ 2,25 triệu USD (hơn 51 tỷ đồng) để giúp Công ty Việt Á kinh doanh kit test Covid-19 với giá cao gấp 3 lần.

Trong vụ án, ngoài bị cáo Long còn có cựu thư ký của bị cáo này là Nguyễn Huỳnh, Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương), Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế), Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính), Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) bị Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân tối cao truy tố về tội nhận hối lộ.

Bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) bị đưa ra xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và cấp phó Vũ Đình Hiệp bị cáo buộc về 2 tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.

27 bị cáo còn lại, trong đó có các cựu cán bộ thuộc Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế và CDC các tỉnh: Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương... phải hầu tòa với một trong các tội danh: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Đây là vụ án được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo cáo trạng của VKS nhân dân tối cao, vụ án xảy ra vào đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát mạnh, Học viện Quân y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch. Theo đề nghị của cựu Vụ phó Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trịnh Thanh Hùng, Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu với vai trò phối hợp. Song bị cáo Việt, Hùng sau đó bị cáo buộc “thông đồng” để biến đề tài nghiên cứu thuộc sở hữu của nhà nước thành sản phẩm của Công ty Việt Á, gian lận để được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Về chất lượng của kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã trưng cầu Bộ Y tế giám định về thành phần hóa học, cấu trúc, trình tự các mồi, mẫu dò, tính năng, công dụng, hiệu quả test. Theo kết luận giám định, sản phẩm đảm bảo 4 tiêu chí là giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính, phù hợp với hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế.

C03 xác định, giá sản xuất tối đa 1 kit test của Việt Á khoảng 143.000 đồng (nguyên liệu, phí nhân công, phí sản xuất, bán hàng, chi phí hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận 5% theo quy định...). Tuy nhiên, ngay sau khi được cấp phép, Công ty Việt Á đã sản xuất, bán thương mại trên cả nước với giá nâng khống từ 143.000 đồng lên 470.000 đồng mỗi kit test. Cụ thể, năm 2020 và 2021, Công ty Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, tiêu thụ 8,3 triệu kit test theo đơn giá 470.000 đồng, tức gấp hơn 3 lần giá sản xuất.

Công ty Việt Á đã được thanh toán gần 6 triệu kit test với tổng giá trị hơn 2.250 tỷ đồng. Số tiền Công ty Việt Á hưởng lợi trái phép được xác định gần 1.236 tỷ đồng. Cơ quan công tố cáo buộc, để được “dọn đường” cho những sai phạm này, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ 106 tỷ đồng cho 6 quan chức: Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD; cựu Vụ phó Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD; cựu Vụ trưởng Nguyễn Minh Tuấn 300.000 USD; cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến 27 tỷ đồng...

Tính đến thời điểm ra cáo trạng, tháng 9/2023, VKS ghi nhận 32 trong tổng 38 bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả, tổng số tiền hơn 140 tỷ đồng.

Đây là vụ án thứ hai bị cáo Phan Quốc Việt ra tòa. Trước đó, ngày 29/12/2023, Phan Quốc Việt bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tuyên phạt 25 năm tù trong vụ gian lận nghiên cứu và mua bán kit test, liên quan 4 cựu sĩ quan Học viện Quân y.

Tinh Anh