Giao thông

5 dự án giao thông lớn ở Hà Nội dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024

Lê Khánh 04/01/2024 13:49

Dự kiến 5 công trình giao thông ở Hà Nội sẽ khởi công trong năm 2024 là Cầu Thượng Cát; xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32; Cầu Vân Phúc qua sông Hồng; đường từ Mỹ Đình (Hà Nội) đến Bái Đính (Ninh Bình); Đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu chi gần 8.300 tỷ đồng

Cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng được Hà Nội xây dựng trên tuyến đường 3,5 nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh có chiều dài 820m, rộng 33m, thiết kế 8 làn xe.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2027.

thu-o-ng-ca-t-2-2771-1678612690-1678697611.jpg
Phối cảnh cầu Thượng Cát.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội được giao là chủ đầu tư.

Cầu Thượng Cát là một trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch GTVT Hà Nội được thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2030.

UBND TP Hà Nội đánh giá đây là dự án giao thông quan trọng, đầu tư để khớp nối, thống tuyến vành đai 3,5 và nằm trong danh mục các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế của dự án.

Xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32

Tuyến đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát - QL32 với tổng chiều dài khoảng 3,5 km, quy mô mặt cắt ngang 60 m. Trên tuyến đầu tư một cầu bê tông vượt qua sông Dăm.

Đối với các nút giao thông, có nút giao đầu tuyến tại điểm đầu dự án, giao băng với đường Kỳ Vũ hiện trạng; nút giao với đường trục Tây Thăng Long và nút giao cuối tuyến tại điểm giao với QL32.

Đây là dự án nhóm B, với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.495 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, do Ban QLDA đầu tư xây dựng Công trình Giao thông thành phố làm chủ đầu tư.

Thời gian thực hiện dự án kéo dài đến năm 2026.

Cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra QL32

Dự kiến trong quý I/2024 dự án sẽ sẽ phát quang và giải phóng măt bằng; quý II/2024 - quý IV/2025 dự án sẽ thi công tuyến đường nối từ QL.32 đến đê Ngọc Tảo; quý I/2026 - quý IV/2026 sẽ làm Cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc; quý I/2027 - quý III/2027 sẽ thi công Cầu Vân Phúc qua sông Hồng; quý IV/2027 sẽ nghiệm thu công trình và đi vào vận hành.

antd-cau-van-phuc01-9699.jpg
Phối cảnh cầu Vân Phúc vượt sông Hồng trên địa bàn huyện Phúc Thọ.

Tổng mức đầu tư của dự án là 3.444 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng tạm tính là 112 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 2.507 tỷ đồng; chi phí dự phòng chiếm 449 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 376 tỷ đồng.

Cầu Vân Phúc là 1 trong 10 cầu qua sông Hồng được xây dựng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Đường nối Mỹ Đình-Bái Đính đoạn từ đường trục phía Nam đến đường Hương Sơn - Tam Chúc

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố để thi công khoảng 13km, trong tổng số chiều dài hơn 92km tuyến đường từ Mỹ Đình (Hà Nội) đến Bái Đính (Ninh Bình).

Theo HĐND TP Hà Nội đây là dự án thuộc nhóm A, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, thời gian thực hiện đến 2025.

Thành phố sẽ xây dựng 4 nút giao gồm: Nút giao với đường trục phía Nam (vị trí đầu tuyến); nút giao với quốc lộ 21B; nút giao với đường liên xã Hương Sơn; nút giao với đường Hương Sơn - Tam Chúc. Trên tuyến sẽ xây dựng cầu vượt sông Đáy và sông Châu Giang. Chủ đầu tư dự án là Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố.

Đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Tuyến đường có chiều dài khoảng 19km, điểm đầu tuyến tại vị trí nút giao với Tỉnh lộ 427 thuộc xã Vân Tảo, huyện Thường Tín; điểm cuối tuyến tại vị trí đầu cầu chui đường cao tốc Pháp Vân-cầu Giẽ ra đường gom dân sinh của nút Đại Xuyên và đoạn đấu nối vào nút giao Đại Xuyên, trong đó có 1 cầu vượt trực thông qua đường cao tốc với 3 nhánh tuyến dài khoảng 2,2km.

Dự án nhằm đầu tư xây dựng tuyến đường gom phía Đông đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, kết nối đồng bộ hệ thống đường giao thông trong khu vực với đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.

W_khanh1.jpg
Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Cùng đó, phục vụ phát triển các khu, cụm và điểm công nghiệp phù hợp định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp với quy hoạch chung của các huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên, đô thị vệ tinh Phú Xuyên.

Đồng thời, dự án góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, tạo ra tuyến đường giao thông có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh; giảm ùn tắc giao thông và tạo mỹ quan đô thị cho huyện Phú Xuyên, huyện Thường Tín.

Dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện đến năm 2025.

Lê Khánh