Nghề làm khô cá lóc vào vụ Tết
Thiên nhiên ban tặng cho Đồng bằng sông Cửu Long nhiều sản vật vào mùa nước nổi. Với người dân tỉnh An Giang, nghề làm khô cá đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình nơi đây.
Còn khoảng hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đây là thời điểm người dân ở các huyện Chợ Mới, Thoại Sơn (tỉnh An Giang) sống bằng nghề làm cá khô bước vào một vụ mùa sản xuất, hối hả với mong muốn cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm khô cá ngon, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng dịp Tết năm nay.
Ở thời điểm này, tại các huyện Chợ Mới, Thoại Sơn, bà con ngư dân bắt đầu tất bật với nghề làm khô cá lóc. Theo chia sẻ của bà Trịnh Thùy Hương (một người đã gắn bó với nghề làm khô cá lâu năm ở ấp Long Bình, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới), các công đoạn xẻ, ướp, phơi nắng, đóng gói đều được thực hiện đúng quy trình về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có được sản phẩm khô cá lóc ngon, quy trình sản xuất phải đảm bảo cá luôn tươi. Bà Hương cho biết, công đoạn làm cá khá cầu kỳ. Theo đó, cá lóc tươi sau khi làm sạch, tách xương, tẩm ướp gia vị phù hợp thì phải ủ lạnh ngay, lựa khi có nắng tốt mang ra phơi. Khi hết nắng hoặc gặp lúc trời mưa, nắng yếu, phải thu gom lại trữ vào tủ đông, lựa lúc nắng gắt mới mang ra phơi tiếp. Cách bảo quản như thế nhằm giúp con khô luôn tươi, không bị bủng, hạn chế được ruồi nhặng bám vào và không sử dụng chất đuổi ruồi nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Do đảm bảo tốt khâu an toàn thực phẩm nên lượng sản phẩm cá khô ở đây sản xuất ra bao nhiêu đều được tiêu thụ bấy nhiêu. Hầu như vụ khô cá năm nào cũng cháy hàng” – bà Hương cho biết.
Chúng tôi đến tham quan cơ sở khô cá lóc Bé Năm, không khí sản xuất rất nhộn nhịp. Theo chủ cơ sở, để kịp cung ứng khô thành phẩm cho các siêu thị, đại lý cũng như khách hàng, cơ sở đang tăng nhịp độ sản xuất.
Do đang vào vụ Tết, số lượng hàng đặt tăng gấp nhiều lần so với bình thường nên cơ sở đẩy mạnh hoạt động tăng 3 lần so với ngày thường, chủ yếu là khô cá lóc, cá sặc. Giá bán khô cá lóc từ 180.000 - 220.000 đồng/kg, riêng khô cá sặc, cá tra, cá chạch giá từ 200.000 - 600.000 đồng/kg (tùy loại).
Các hộ dân làm nghề khô cá ở huyện Chợ Mới cho biết, nghề làm khô diễn ra quanh năm nhưng sôi động nhất là vào dịp Tết. Bình thường, trung bình mỗi hộ dân ở đây chỉ chế biến từ 100 - 150kg cá để làm khô cá cung ứng ra thị trường, thì dịp Tết số lượng tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. “Theo đó, để chế biến được 1 kg cá lóc, cá sặc khô, cần phải sử dụng 4kg cá lóc, cá sặc tươi. Con số này với cá chạch phải nặng ký hơn do cá chạch bé hơn, ước chừng khoảng 6 – 7 kg cá chạch tươi sẽ làm được 1kg khô cá chạch” – bà Hương chia sẻ với phóng viên.
Với người dân ở huyện Chợ Mới, nghề làm khô cá mang lại thu nhập chính cho các gia đình ở đây. Vì tính ổn định cũng như giá cả. Vào dịp Tết, giá khô cá thường duy trì ở mức 200.000 – 400.000 đồng/kg tùy loại cá và tùy vào thời điểm. Nếu sát Tết giá có thể còn cao hơn nữa.
Tương tự, tại huyện Thoại Sơn, bà con cũng đang hối hả vào vụ làm cá khô. Những sạp cá được phơi rải khắp các khoảnh sân nhà tạo nên một bức tranh vùng quê thật yên bình. Theo chia sẻ của anh Thân Việt Hoàng (chủ một hộ gia đình làm khô cá lóc ở huyện Thoại Sơn), nghề làm khô cá lóc đã theo gia đình anh hàng chục năm nay. Anh Hoàng ước tính, trung bình mỗi ngày thu nhập khoảng 180.000 đồng từ nghề làm cá khô, nhưng vào dịp Tết thì thu nhập lên gấp đôi, vì nhu cầu rất lớn. “Từ cách đây 1 tháng, gia đình tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng ở nhiều địa phương, món này được rất nhiều người chọn làm quà Tết vì vừa ngon, vừa có tính đặc sản vùng miền” – anh Hoàng cho biết.
Khảo sát tại các cơ sở chế biến cá khô ở vùng đất An Giang, có thể thấy, nghề này đang mang lại thu nhập khá cho các hộ gia đình. Trung bình mỗi ngày một cơ sở làm ra 50 - 70kg khô cá lóc thành phẩm các loại để đưa ra thị trường. Lúc cao điểm có thể sản xuất hàng trăm kilogam khô cá các loại với giá bán lên khá cao dịp cận Tết, giúp người dân tăng thu nhập và ngày càng gắn bó với nghề.
Nhiều du khách cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long vốn được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, đất đai phì nhiêu nên có nhiều loại sản vật nổi tiếng thơm ngon. Qua nhiều năm lao động sản xuất, người dân nơi đây không ngừng sáng tạo để nâng tầm những sản vật về mặt giá trị lẫn thẩm mỹ. Đây cũng chính là điểm nổi bật để các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang đẩy mạnh thu hút du lịch cũng như giữ gìn những làng nghề truyền thống.