Pháp luật

Lý do Phan Quốc Việt chuyển nhiều tiền cho cựu Bộ trưởng Y tế nhưng không gặp trực tiếp

Văn Thanh 05/01/2024 13:04

Trả lời thẩm vấn của đại diện VKS, bị cáo Phan Quốc Việt khai lý do không trực tiếp làm việc với cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long là "nhạy cảm".

Trả lời đại diện Viện Kiểm sát (VKS) sáng 5/1, bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á thừa nhận đã nhờ cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhiều việc nhưng không thực hiện trực tiếp mà thông qua bị cáo Nguyễn Huỳnh, thư ký của ông Long.

Việt cho biết có quen biết với ông Long và Huỳnh trong lần đi dự sự kiện dự án bệnh viện tại TP HCM hồi năm 2017. Hai bên sau đó thỏa thuận, giải quyết công việc gì cứ thông qua Nguyễn Huỳnh vì một số nguyên nhân nhạy cảm.

VKS tiếp tục truy bị cáo Việt lý do nhạy cảm ở đây là gì, phải khai rõ. Đồng thời, đại diện VKS công bố nội dung biên bản hỏi cung bị cáo trước đó.

Lúc này, bị cáo Việt nói việc thống nhất mọi giao dịch đều thông qua Huỳnh để giữ tiếng cho ông Long.

Bị cáo Việt thừa nhận chỉ có một lần lên Bộ Y tế gặp ông Long, đi cùng một đơn vị khác nói về vấn đề vắc xin và để lại túi quà có 50.000 USD.

Mục đích tham gia đề tài tại Học viện Quân y của bị cáo là gì, có phải nhằm mục đích sản xuất bán thương mại không, VKS tiếp tục hỏi.

Việt đáp: "Thời điểm đó duy nhất Việt Á có chứng chỉ ISO đủ điều kiện sản xuất nên được Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ) mời tham gia, ban đầu chỉ có mục đích nghiên cứu".

VKS cho rằng, mục đích lâu dài của Việt Á chính là được sản xuất thương mại. Việt sau đó thừa nhận và nói nhận thức rõ đó là đề tài sử dụng kinh phí Nhà nước nên kết quả là tài sản của Quốc gia, việc tư nhân hoá là sai phạm.

z5036754528374_61c8effc6beeae80936af5f907d358bb.jpg
Quang cảnh phiên tòa.

Theo cáo trạng, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ KHCN về việc chủ động nghiên cứu, phục vụ công tác phòng, chống dịch, Học viện Quân y chủ trương giao Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự tiến hành nghiên cứu.

Dù văn bản đề xuất của Học viện gửi Bộ KHCN không đề cập Công ty Việt Á, nhưng do đã từng hợp tác với Công ty Việt Á nên Trịnh Thanh Hùng đã bàn bạc với Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) rồi gọi điện cho Hồ Anh Sơn (Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự) yêu cầu trong đề xuất đưa Việt Á là đơn vị tham gia phối hợp.

Sau khi có đề xuất nói trên, Trịnh Thanh Hùng không chuyển cho Văn thư Bộ KHCN như thông lệ mà làm tờ trình báo cáo trực tiếp Chu Ngọc Anh (Bộ trưởng Bộ KHCN) đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN độc lập cấp quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút và được Chu Ngọc Anh đồng ý.

Trịnh Thanh Hùng còn đề xuất gộp nhiệm vụ nghiên cứu với nhiệm vụ chế tạo 20.000 test xét nghiệm. Mục đích giúp Việt Á được tham gia đề tài vì Học viện Quân y chỉ có chức năng nghiên cứu, không có chức năng sản xuất, được các thành viên Hội đồng tư vấn đồng ý và ông Chu Ngọc Anh ký quyết định giao nhiệm vụ.

Sau đó, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KHCN ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định kinh phí gồm 14 thành viên thực hiện nhiệm vụ nói trên, Trịnh Thanh Hùng là Tổ trưởng Tổ thẩm định. Tổ này họp, xác định kinh phí của đề tài là 18,98 tỷ đồng (từ ngân sách trung ương), thời gian thực hiện là 18 tháng.

Bộ kit Việt Á có giá bao gồm 5% lợi nhuận là 143.461 đồng/bộ nhưng Việt Á nâng lên 470.000 đồng/bộ, cho dù Phan Quốc Việt khẳng định bán rẻ để ủng hộ Chính phủ chống dịch.

Theo quy định, công trình nghiên cứu thực hiện bằng ngân sách Nhà nước thì kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước (trường hợp này do Bộ KHCN quản lý). Tuy nhiên, Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu Đề tài.

Sau đó, Trịnh Thanh Hùng tham mưu cho ông Phạm Công Tạc ký quyết định thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu giai đoạn 1 của đề tài, mặc dù theo quy định chỉ nghiệm thu khi kết thúc đề tài. Việc này nhằm hợp thức hoá hồ sơ giúp Công ty Việt Á (vào tháng 2/2020) lập hồ sơ đăng ký xin Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất, kinh doanh kit test (do không có văn bản chuyển giao dự án của Bộ KHCN cho Công ty Việt Á).

Bằng cách này, Hùng đã giúp sức tích cực cho Công ty Việt Á biến công trình nghiên cứu khoa học của Nhà nước thành sản phẩm thương mại của Công ty Việt Á.

Sau khi chiếm được đề tài, Phan Quốc Việt đã thao túng hàng loạt quan chức Bộ Y tế và một trợ lý Phó Thủ tướng cùng một số quan chức địa phương để được cấp phép lưu hành, sản xuất, kinh doanh kit test và bán ra thị trường.

Văn Thanh