Văn hóa

Người Dao gìn giữ bài thuốc nam cổ truyền

Thanh Phương 05/01/2024 13:54

Những bài thuốc nam cổ truyền đã được người Dao (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) từ thế hệ này qua thế hệ khác gìn giữ như “báu vật”.

W_z5037962650491_04b978c25bf9bb5e023f3d11555c4538.jpg
Các loại dược liệu đã qua sơ chế được bà Đặng Thị Lan đem đi phơi khô.

Thôn Đồng Bé (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc người Dao Thanh Phán từ biết bao đời nay. Bà con nơi đây nổi tiếng bởi nghề làm thuốc nam gia truyền.

Với hơn 50 năm kinh nghiệm trong nghề làm thuốc nam gia truyền, bà Đặng Thị Lan kể: “Tôi được học nghề làm thuốc từ bố chồng mình, mỗi bài thuốc được làm từ hàng chục, hàng trăm loại dược liệu khác nhau. Để có thể học được nghề đòi hỏi sự kiên trì, cẩn trọng và cái tâm của người làm thuốc”. Chính vì lẽ đó, có những loại thuốc phải mất hàng tháng trời lên rừng mới tìm đủ các thành phần.

W_bon-da-bang-dam-cuoi-khung-anh-anh-ghep-in-2-.png
Mỗi bài thuốc nam cổ truyền của người Dao được tạo nên từ hàng chục, thậm chí hàng trăm loại dược liệu khác nhau.

Đến thời điểm hiện tại, bà Lan không thể nhớ chính xác bao nhiêu lần mình men theo những vách núi, lần theo những tán lá để tìm thuốc quý. “Gian nan lắm, có khi phải mất hàng chục chuyến đi rừng thì mới tìm đủ thuốc. Có những chuyển đi kéo dài 3-4 ngày”, bà Lan nói.

Tìm dược liệu đã khó, thế nhưng công đoạn sơ chế đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên trì gấp bội. Mỗi loại dược liệu sẽ có những cách sơ chế khác nhau, cái thì cần thái lát, cái thì cần cắt khúc… tùy theo đặc điểm, tính chất của từng loại để giữ nguyên được chất lượng. Sau đó, dược liệu đã qua sơ chế sẽ đem phơi khô dưới nắng để tránh bị ẩm mốc rồi mới đến công đoạn trộn dược liệu theo “công thức gia truyền”.

W_z5037962599004_f620a4e61939184f48f39db183d45e10.jpg
Bà Phùng Thị Xuân cũng đã gắn bó với nghề làm thuốc nam từ sớm.

Cùng với bà Đặng Thị Lan, bà Phùng Thị Xuân cũng theo nghề làm thuốc nam ngay từ khi vừa mới mười tám, đôi mươi. Khi được hỏi về những bài thuốc nam chữa bệnh, bà Xuân hồ hởi chia sẻ: “Mỗi loại dược liệu đều sẽ có những công dụng riêng, số lượng có thể đến hàng trăm loại. Người Dao có rất nhiều bài thuốc nam, có thể kể đến như thuốc chữa khớp, đau dạ dày, đại tràng, gan, hen phế quản… Chúng tôi được sinh ra, lớn lên và khỏe mạnh từ chính những bài thuốc cổ truyền đó”.

Thuốc nam của người Dao không chỉ được biết đến bởi công dụng chữa bệnh hiệu quả mà còn “nức tiếng gần xa” bởi khả năng phục hồi cơ thể, tăng cường sức đề kháng. Khác với những loại thuốc tây hiện nay, thuốc nam được cho là lành tính, ít tác dụng phụ, phù hợp với nhiều thể trạng người bệnh, không chỉ có thể chữa khỏi bệnh mà còn nâng cao sức khỏe.

Trong hơn 50 năm trong nghề, thứ thuốc nam mà cả bà Lan và bà Xuân đều vô cùng tâm đắc chính là bài thuốc lá tắm cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Bài thuốc lá tắm được làm từ hơn 20 loại dược liệu khác nhau, trong đó có địa sàn, dẩu lềnh, địa khang đỏ, địa gió, hoàng đằng trắng…, sau khi nấu xong thì uống một cốc, phần nước còn lại dùng để tắm. Khi tắm bằng bài thuốc này sẽ giúp lưu thông khí huyết, phục hồi sức khỏe cho mẹ và tăng sức đề kháng, phòng chống rôm sảy đối với trẻ nhỏ.

Bài thuốc cổ theo “tiếng lành đồn xa”

W_trong-3-o-voi-bieu-ngu-trang-truyen-tranh-1-.png
Bên cạnh những gói thuốc khô, bà Lan còn làm thêm cao thuốc để đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Ngày nay, những bài thuốc nam của người Dao ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Không chỉ được sử dụng để chữa bệnh, những bài thuốc nam còn được nhiều người lựa chọn uống hàng ngày như một loại thuốc bổ để tăng cường sức khỏe.

Khoảng chục năm trở về trước, bà Lan thường mang trên lưng những bao thuốc, đi bộ hàng chục cây số để bày bán tại những phiên chợ. “Mỗi lần đi bán tôi mang khoảng 100 gói thuốc, khi nào bán hết thì mới về, mỗi lần đi có khi hết cả tháng trời. Đường xá lúc đó đi lại rất khó khăn”, bà Lan kể lại.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, bà Lan không còn phải “lặn lội” đi bán trong từng phiên chợ mà thay vào đó là những cuộc gọi đặt hàng đến từ “tiếng lành đồn xa”. Người dùng rồi truyền tai người chưa dùng về công dụng hữu hiệu từ những bài thuốc nam cổ truyền của người Dao, sau đó chỉ cần gọi điện hỏi trước và nhắn lại địa chỉ, bà Lan và gia đình sẽ chuyển hàng đến tận nơi.

Những bài thuốc nam cổ không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn sinh kế, góp phần ổn định cuộc sống của biết bao thế hệ người Dao.

“Muốn giỏi nghề thì phải tự tìm tòi, học hỏi để biết các vị thuốc, phải kiên trì, chịu khó băng rừng, vượt núi để tìm thuốc. Con trai tôi cũng đang cố gắng học để giữ nghề truyền thống của gia đình”, bà Lan chia sẻ. Thế nhưng, để những bài thuốc nam cổ truyền của người Dao “vươn cao, vươn xa” sẽ cần sự quan tâm, đồng hành của các cấp chính quyền để cùng xây dựng và lan tỏa sản phẩm truyền thống đến với mọi miền Tổ quốc.

Thanh Phương