Quá trình trục lợi của Việt Á tại Hải Dương
Ngày 5/1, phiên tòa xét xử các bị cáo trong đại án Việt Á tiếp tục phần thẩm vấn, bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) khai: Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp giới thiệu Việt Á với địa phương nên bị cáo tin tưởng, đưa công ty này về Hải Dương chống dịch.
Tại phần xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Hải Dương quanh sai phạm mua bán kit test của Việt Á tại địa phương này trong thời gian đầu năm 2021. Theo cáo buộc của cơ quan công tố, khởi nguồn của sự tiếp tay cho Công ty Việt Á trục lợi từ đại dịch Covid-19 bắt đầu từ cuộc gặp của cựu Bí thư Phạm Xuân Thăng với cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long vào tháng 1/2021.
Tại tòa, bị cáo Thăng khai: Đây là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở Hải Dương. Trước đó, trong buổi gặp gỡ với cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, bị cáo Long có đề cập về việc để Công ty Việt Á về tỉnh này cùng chống dịch. Song lúc đó bị cáo không nhận lời ngay mà nói còn phải bàn với Thường vụ Tỉnh ủy. Lời khai này cũng đã được chính bị cáo Long chứng thực khi trả lời thẩm vấn: Hải Dương là tỉnh duy nhất mà bị cáo “giới thiệu, can thiệp” về vấn đề Việt Á.
Tuy nhiên, bị cáo Thăng khẳng định: “Hoàn toàn không tác động gì” tới các ban, ngành tại địa phương. Chỉ khi chủ tọa truy hỏi, trích lại các lời khai tại cơ quan điều tra, bị cáo Thăng mới thừa nhận có nâng đỡ để giúp Công ty Việt Á được vào Hải Dương chống dịch, độc quyền bán kit test, mở rộng quy mô xét nghiệm và được thanh toán sai, thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.
Theo lời khai của bị cáo Thăng, bị cáo đã chủ trì 3 cuộc họp Ban Thường vụ, có mời Phan Quốc Việt tham dự một lần vì thấy “cần thiết”. Sau đó bị cáo Thăng đã ra 3 văn bản chỉ đạo Sở Y tế và các ban, ngành liên quan ký hợp đồng độc quyền xét nghiệm với Việt Á trên toàn tỉnh. Một trong những người nhận chỉ thị là cựu Giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường. Cơ quan công tố khẳng định: Bị cáo Cường là người được bị cáo Thăng trực tiếp trao đổi về việc nâng đỡ Việt Á: Ký các quyết định chỉ định thầu rút gọn trái luật, ứng hàng trước trả tiền sau...
Khai báo trước tòa, bị cáo Phạm Mạnh Cường thừa nhận “tội đã rất rõ”, rất ăn năn nhưng xin tòa xem xét yếu tố tình hình dịch rất căng thẳng, cấp bách. Bị cáo Cường biện bạch: Sản phẩm của Việt Á khi đó đã được Bộ Y tế cấp phép nên “tin tưởng sử dụng”. Cựu Giám đốc Sở Y tế khẳng định hoàn toàn không có động cơ.
Trước bục khai báo, bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương) cho biết, chỉ làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Khi thanh toán hợp đồng mua kit test của Việt Á đều làm theo quy trình rút gọn, lấy hàng trước, hoàn thiện hồ sơ sau. Kết quả, CDC Hải Dương đã thanh toán cho Việt Á 4 hợp đồng với tổng số tiền hơn 150 tỷ đồng.
Bị cáo Tuyến khai: Sau đợt thanh toán đầu tiên “không được Việt Á cho gì, nhưng những lần sau Việt Á tự đề nghị “chia sẻ lợi nhuận” cho CDC Hải Dương như một lời cảm ơn cho những người tuyến đầu vất vả, có nhiều đóng góp cho phòng, chống dịch. Bị cáo Tuyến thừa nhận cầm 27 tỷ đồng của Phan Quốc Việt thông qua 3 lần chuyển khoản. “Việt Á nói là chia sẻ lợi nhuận nên bị cáo không nghĩ nhiều, cũng không nghĩ đó là vi phạm pháp luật. Chỉ đến khi bị bắt, bị cáo mới biết nhận tiền là sai” - bị cáo Tuyến giải trình.
Cũng theo lời khai của bị cáo Tuyến, khi nhận 27 tỷ đồng, Tổng Giám đốc Việt Á có gợi ý “chia lãnh đạo”, nhưng chia những ai, với mức bao nhiêu thì để bị cáo tự quyết. Cụ thể, bị cáo Tuyến đã “chủ động” đưa cựu Bí thư Phạm Xuân Thăng 2 lần, tổng 600 triệu đồng và 50.000 USD; đưa cho Giám đốc Sở Y tế Phan Mạnh Cường 6 lần, tổng 7 tỷ đồng; chia cho một số lãnh đạo, cán bộ của CDC khoảng 2 tỷ đồng và hưởng lợi 16,5 tỷ đồng.
Trong vụ án này, ngoài 3 bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng, Phạm Mạnh Cường và còn có bị cáo Nguyễn Mạnh Cường (cựu Kế toán trưởng CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Thị Trang (cựu Giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ tài chính, Sở Tài chính). Cơ quan công tố cáo buộc: Sai phạm của 5 bị cáo này đã giúp Việt Á bán 220.000 kit test, được thanh toán hơn 106 tủ đồng, từ đó gây thiệt hại cho nhà nước hơn 73 tỷ đồng.