Giáo dục

Tăng sức hút của các kỳ thi riêng

Thu Hương 06/01/2024 08:43

Cả nước có hơn 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy sử dụng để xét tuyển vào đại học. Hiện nhiều trường mong muốn sử dụng kết quả các kỳ thi này để tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, song để tăng mức độ phủ sóng, kỳ thi cần tiếp tục có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp.

anhbaichinh.jpg
Thí sinh thi đánh giá năng lực. Ảnh: VNU.

Tăng cơ hội, giảm áp lực

Bên cạnh điểm thi tốt nghiệp THPT và một số phương thức khác như xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp điểm thi và chứng chỉ ngoại ngữ,… các thí sinh và phụ huynh hiện nay quan tâm tới các kỳ thi riêng nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển đại học.

Trong đó, nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học hiện nay tổ chức nhiều lần trong năm để thí sinh có cơ hội thử sức và cải thiện kết quả ở lần thi sau, đồng thời có thể sắp xếp thời gian phù hợp để tham gia. Riêng kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ diễn ra 1 lần mỗi năm. Năm 2024 sẽ diễn ra trong một ngày 11/5 với 8 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, Ngữ văn có 30% câu hỏi dạng trắc nghiệm và 70% tự luận, Tiếng Anh có tỷ lệ câu hỏi trắc nghiệm tự luận là 80 – 20%, các môn còn lại là 70-30%.

Cách đánh giá theo từng môn học như cách Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực hiện nay theo các chuyên gia vẫn có thể tiếp tục sử dụng hiệu quả khi dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đây cũng là một trong hai trường đại học đưa cả phần thi tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan vào đề thi đánh giá năng lực trong khi các trường khác chỉ có phần thi trắc nghiệm (riêng Đại học Quốc gia Hà Nội có thêm phần điền từ). PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lý giải, điều này phù hợp với một trong những yêu cầu của thí sinh khi vào trường là phải có kĩ năng cơ bản, có những trình bày, biện luận cơ bản.

Khuyến khích các trường cùng sử dụng kết quả kỳ thi riêng

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Cục phó Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhìn nhận, kỳ thi tốt nghiệp THPT đánh giá chuẩn đầu ra chương trình, còn đối với kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh chọn đầu vào, việc các trường trong một khối ngành như ngành sư phạm sử dụng chung kết quả mang lại hiệu quả gồm cả chất lượng và tiết kiệm chi phí cho thí sinh, gia đình các em và xã hội.

Trên thực tế, các kỳ thi riêng do các đơn vị uy tín tổ chức đều tăng dần số lượng các trường sử dụng kết quả để tuyển sinh đại học theo từng năm. Đơn cử, như Đại học Quốc gia TPHCM ở năm thứ 2 tổ chức chỉ có ngoài 20 trường đăng ký sử dụng kết quả thi để tuyển sinh thì tới năm 2021, con số này đã tăng lên thành 70 trường và năm 2023 là 87 trường.

Ngoài chất lượng đề thi đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh của trường, một yếu tố để tăng mức độ phủ sóng của các kỳ thi này theo các chuyên gia đó là mở rộng đối tượng dự thi. PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Nẵng đánh giá kỳ thi riêng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mới chỉ có 2 điểm thi sẽ làm hạn chế số thí sinh có thể tham gia, cần tăng thêm các điểm thi. Bên cạnh đó, công tác quảng bá cũng cần được tăng cường.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM Nguyễn Ngọc Trung đề xuất, nên cho học sinh lớp 11 tham gia kỳ thi riêng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Một số ý kiến khác đề xuất về cách thức tổ chức kỳ thi, tăng số môn thi học sinh có thể chọn để tăng cơ hội xét tuyển bằng các tổ hợp các em dự định xét tuyển vào đại học.

Để lan tỏa các kỳ thi riêng, PGS.TS. Lưu Trang cho rằng, có thể kết nối giữa các trường để tổ chức chung nhằm tạo hệ thống.

Đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhìn nhận, kỳ thi tốt nghiệp THPT đánh giá chuẩn đầu ra chương trình, còn đối với kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh chọn đầu vào, việc các trường trong một khối ngành như ngành sư phạm sử dụng chung kết quả mang lại hiệu quả gồm cả chất lượng và tiết kiệm chi phí cho thí sinh, gia đình các em và xã hội. Thời gian tới, nhà trường cần tính toán sao cho số trường sử dụng mô hình, kết quả của kỳ thi này nhiều hơn nữa, từ đó tạo sức lan tỏa của kỳ thi trong hệ thống đào tạo đại học hiện nay.

Thu Hương