Thủ tướng đưa ra '5 quyết tâm' cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực
Tại hội nghị, trình bày báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới.
Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế cả năm tăng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua.
Về năm 2024, dự báo tình hình có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Bên cạnh thuận lợi là có nền tảng vĩ mô ổn định, nền kinh tế nước ta vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Do đó quán triệt Kết luận số 64 của Trung ương, Kết luận số 65 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ xác định chủ đề điều hành năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”. Theo đó, tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6-6,5%), giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (4-4,5%), bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), các chỉ tiêu an toàn nợ công trong giới hạn cho phép, cắt giảm chi thường xuyên 5%.
Bên cạnh đó, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA với UAE, khu vực Mỹ La-tinh, tiếp tục mở rộng xuất khẩu vào khu vực châu Phi, thị trường Halal; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 6% so với năm 2023.
Không chủ quan, thỏa mãn
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, kết quả đạt được là cơ bản, nhưng không được chủ quan, thoả mãn, nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức.
Thủ tướng cơ bản thống nhất với báo cáo và các ý kiến phát biểu về dự báo tình hình năm 2024 - năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025; trong đó nhận định tình hình tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu, các cấp, các ngành, các địa phương cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” với tinh thần “5 quyết tâm”: Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực; Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật; Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại; Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.
Về quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu cầu, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (liên kết vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen).
Củng cố các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường mới (UAE, châu Phi, Mỹ La-tinh). Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công... Quyết tâm tiết kiệm chi 5% và thu ngân sách nhà nước 2024 tăng ít nhất 5%. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược.
Thủ tướng chỉ đạo, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi. Tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn; phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 7-8%, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện Chương trình 1 triệu ha đất trồng lúa sạch, ít phát thải carbon; phấn đấu đến hết năm 2024 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và 4/12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại.
Thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024
Thủ tướng yêu cầu, phát triển mạnh các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương về chính sách xã hội. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội; phấn đấu năm 2024 hoàn thành ít nhất 130.000 căn. Thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 1/7/2024; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương với khu vực ngoài nhà nước. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo.
Đồng thời, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ưu tiên bố trí nguồn lực cho phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Chú trọng xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước xuyên biên giới. Tập trung đầu tư phát triển các dự án chống sạt lở, sụt lún, ngập úng ở ĐBSCL. Quyết liệt, khẩn trương triển khai Chương trình hành động thực hiện các cam kết tại COP28 và Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Hoàn thành Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc trên 43,7%
Thủ tướng nhấn mạnh, cần rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hội đồng điều phối vùng; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội. Tập trung sửa các Luật để thúc đẩy tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc (Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật). Đẩy mạnh phát triển đô thị; phấn đấu năm 2024 đạt tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt trên 43,7%.
Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tập trung trấn áp các loại tội phạm, phấn đấu giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội. Tăng cường phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ngay từ đầu năm giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia; thực hiện quyết liệt Đề án 06 trên địa bàn.
Thủ tướng lưu ý, tập trung giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh. Chú trọng nâng cao tính tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm “an ninh, an toàn, an dân”; tổ chức cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; không để ai không có Tết.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, phản biện chính sách; phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ cơ sở; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “ổn định”. Châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 2 trong 62 nước được nâng hạng. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.