Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng tiếp đà tăng
Năm 2023 là một năm khó khăn với ngành thủy sản nước ta khi phải đối mặt với làn sóng lạm phát lan rộng trên toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thủy sản giảm mạnh. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 12/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,4 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm ngoái.
Bước sang năm 2024, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy hải sản (VASEP), dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục và tăng mạnh vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 – 3,8 tỷ USD.
Bộ NNPTNT cho biết, 2024 sẽ tiếp tục là năm nhiều diễn biến bất thường, nguồn lợi hải sản suy giảm. Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biễn phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể.
Tuy nhiên, theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông VASEP, năm 2024, nhiều khó khăn vẫn sẽ tiếp tục chi phối tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ hàng háo nói chung, trong đó có thủy sản. Chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, cũng có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song theo bà Lê Hằng, với sự thích nghi, điều chỉnh theo thực tế thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD năm 2024.
Để ngành thủy sản phát triển trong năm 2024, ông Dương Long Trì - Phó Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng, cần quan tâm đến giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, từ đó nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 - bà Đặng Thị Lụa, ngành thủy sản cần có định hướng và kế hoạch hài hòa, chú trọng các đối tượng chủ lực nhưng cũng cần quan tâm phát triển các đối tượng vùng miền. Có như vậy mới phát huy được hết lợi thế về thủy sản cũng như phát triển phong phú các sản phẩm thủy sản.
Về giải pháp phát triển ngành thủy sản bền vững, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, năm 2024 sẽ tăng cường những giải pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng vật tư đầu vào (con giống, thuốc, thức ăn…); tập trung phát triển các đối tượng thủy sản bản địa, đặc sản; nhận diện lại trong chuỗi sản xuất thủy sản phát thải đến từ chỗ nào để có kế hoạch triển khai, thay đổi công nghệ, giảm phát thải.
“Với nuôi thâm canh và siêu thâm canh như hiện nay, phát thải khá lớn. Tới đây, thị trường nhập khẩu sẽ đánh nhãn xanh, nhãn vàng, nhãn đỏ và thêm phúc lợi động vật thủy sản nữa. Bên cạnh vấn đề an toàn thực phẩm thì đây sẽ là những thách thức mà ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt. Công việc phía trước còn rất nhiều để chúng ta giành thế chủ động cho xuất khẩu thủy sản” - ông Luân khẳng định.