Dạy Tiếng Anh trong trường phổ thông: Nâng chất và lượng giáo viên
Báo cáo thường niên 2023 về “Dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam” vừa được công bố bởi Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia cho thấy, số giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là 84%, trong đó cấp tiểu học là 84%, THCS là 87%, THPT là 77%.
Vẫn còn chênh nhau
Cũng trong báo cáo này, một khảo sát khác thực hiện với hơn 7.800 giáo viên ngoại ngữ (chủ yếu dạy tiếng Anh). Trong đó, 73% đánh giá mình đáp ứng tốt các yêu cầu của chương trình GDPT mới, còn lại ở mức trung bình, kém và rất kém.
Cụ thể, các yêu cầu này bao gồm giáo viên không những cần đảm bảo đạt chuẩn kiến thức và trình độ ngoại ngữ, mà còn phải đạt hàng loạt các tiêu chí mới: có khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt; phương pháp dạy phù hợp, hiện đại; có năng lực đánh giá sách giáo khoa, tài liệu dạy học; chủ động tiếp cận và phát triển mạng lưới học hỏi trực tuyến và trực tiếp; đổi mới tư duy theo hướng phát huy tính tự chủ trong học tập; đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực.
Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành chương trình các môn ngoại ngữ theo Chương trình GDPT năm 2018. Và chương trình môn tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 đã được triển khai ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 trên 63 tỉnh/ thành và theo lộ trình sẽ dần dần thay thế các chương trình dạy ngoại ngữ hiện có.
Cô giáo Nguyễn Thanh Nhàn, giáo viên trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết Chương trình GDPT 2018 với thiết kế rất đa dạng, có phần vận dụng kiến thức bài học vào việc nói, giao tiếp, cùng với việc sử dụng hình ảnh, tổ chức nhiều hoạt động phong phú giúp học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức bài học. Cô cũng khuyến khích học sinh tự tin tham gia các hoạt động học tập, giao tiếp bằng tiếng Anh, tích cực tương tác và phát biểu trả lời các câu hỏi hoàn toàn bằng ngôn ngữ tiếng Anh để các em không chỉ học mà còn sử dụng ngôn ngữ vào cuộc sống.
Khắc phục khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất
Theo GS. TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, việc triển khai dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt ở các vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, các thành phố lớn. Cùng với việc phát triển về quy mô thì chất lượng trong việc dạy và học cũng tăng lên, thể hiện ở sự đa dạng, phong phú trong cách người học, người dạy tiếp cận. Dẫu vậy, vẫn còn tồn tại những thách thức như nhận thức người dạy, học; khó khăn về thiếu giáo viên và chất lượng đội ngũ giảng dạy; hạn chế tiếp cận do vùng miền; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học…
Theo ông Khổng Văn Thiện - Trưởng phòng GDĐT huyện Phong Thổ (Lai Châu), huyện có 18 trường tiểu học và THCS nhưng chỉ có 29 giáo viên tiếng Anh, bao gồm 24 giáo viên khối THCS, 5 giáo viên khối tiểu học. Mặc dù đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng nhưng những năm gần đây huyện không tuyển mới được giáo viên tiếng Anh nào. Do thiếu giáo viên, phòng đã đề nghị sự chia sẻ giúp đỡ của các trường ở Hà Nội và từ đầu học 2023-2024 tới nay, Trường Tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã thực hiện nhiều tiết học trực tuyến kết nối với các trường tiểu học trên địa bàn huyện Phong Thổ như: Sì Lở Lẩu, Vàng Ma Chải, Dào San, Mù Sang, Nậm Xe, Hoang Thèn, Lản Nhì Thàng,... do 2 cô giáo trẻ của nhà trường giảng dạy là cô Đỗ Dương Phương Thảo và cô Bùi Bích Phương.
Đây cũng là khó khăn chung của nhiều tỉnh miền núi khi thiếu giáo viên ngoại ngữ. Thậm chí ở các thành phố lớn nhiều nơi cũng phải đối mặt với việc thiếu giáo viên ngoại ngữ chất lượng do cơ hội việc làm của những sinh viên tốt nghiệp ngành này rất rộng mở, cơ chế thu nhập hấp dẫn từ các trung tâm, các trường quốc tế… nên trường công lập khó cạnh tranh được.
Vì vậy, để nâng chất lượng học Ngoại ngữ, GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT, cần cải thiện về cơ sở vật chất và đầu tư cho con người trong giảng dạy và học tập. Trong đó, giải quyết bài toán thiếu giáo viên cần được ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, học ngoại ngữ không thể “học chay” kiểu thầy đọc trò chép, cô hỏi trò trả lời mà cần được đầu tư về trang thiết bị máy móc để giờ học thêm hứng thú, học sinh được rèn luyện đủ cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết đáp ứng yêu cầu học để biết, để sử dụng được trong cuộc sống chứ không chỉ là học để đi thi.
Dẫu vậy, trong bối cảnh khó khăn chung, chưa thể ngay lập tức cải thiện về điều kiện dạy học, về nguồn lực, ngành giáo dục, các trường, giáo viên cần chủ động áp dụng những hoạt động dạy học chủ động, tích cực tạo hứng thú cho học sinh. Chẳng hạn, nhiều trường đã đổi mới cách dạy và học tiếng Anh bằng cách tăng cường các câu lạc bộ tiếng Anh, lồng ghép sử dụng tiếng Anh trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trại hè Anh ngữ, các tiết học xuyên biên giới như cô giáo 9X Hà Ánh Phượng (trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ) đã tổ chức…
Cô giáo Lương Tuyết Phương, Trường THCS Ngô Văn Sở (TP Lào Cai, Lào Cai) chia sẻ, để giờ học tiếng Anh hấp dẫn học sinh, cô tìm cách áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, chọn phương pháp dạy phù hợp với từng lứa tuổi để học sinh nắm bài giảng hiệu quả nhất. Đơn cử, học sinh thích học trên phần mềm, làm bài tập dễ dàng, thoải mái, không áp lực lại xếp thứ hạng luôn nên các em hào hứng thi đua nhau học.