Vụ án Việt Á: Điểm lại những tình tiết đáng chú ý trong 3 ngày xét xử
Trong 3 ngày xét xử, các bị cáo liên quan đến đại án Việt Á đã có nhiều lời khai đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ngày 3/1/2024, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh và nhiều bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương.
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Phan Quốc Việt, cựu Tổng Giám đốc Công ty Việt Á có 4 luật sư bào chữa; cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh có 1 luật sư bào chữa.
Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.
Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc bị truy tố cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Phan Quốc Việt bị truy tố hai tội danh là “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo còn lại bị truy tố về các tội: “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Phiên tòa dự kiến kéo dài liên tục trong khoảng 20 ngày (không kể ngày nghỉ).
Trong 3 ngày xét xử, các bị cáo liên quan đến đại án Việt Á đã có nhiều lời khai đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Giá trị "cành đào Tết" của cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN
Tại phiên tòa xét xử vụ Việt Á, cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc bác bỏ lời khai của Phan Quốc Việt liên quan đến số tiền bị cáo Tạc đã nhận của Việt Á.
Theo đó, Phan Quốc Việt khai hối lộ cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc 50.000 USD khi được giúp đỡ. Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Phạm Công Tạc bác bỏ con số trên, cho hay mình chỉ được nhận 100 triệu đồng.
"Việt có đưa một túi quà và bảo em có cành đào Tết tặng anh, dù đã qua Tết", ông Tạc nói, thêm rằng nghĩ quà Tết là phong tục Á Đông nên đồng ý nhận.
Cựu Thứ trưởng tiếp tục khai, khi Việt ra về, ông mở túi, thấy bên trong có kit test, một số đồ khác cùng 100 triệu đồng, không phải 50.000 USD như Việt khai.
Khi được chủ tọa yêu cầu đối chất, Việt cho hay cấp phó của mình tại Công ty Việt Á là Vũ Đình Hiệp đã chuẩn bị số tiền này và khi đó, chỉ "đưa USD cho tiện", chỉ một số tình huống đưa tiền Việt Nam đồng.
Khi được chủ tọa hỏi về số tiền đưa cho bị cáo Tạc, Việt cho hay "đã quá lâu" nên không nhớ.
Giám đốc Sở Y tế Hải Dương được chia nhiều hơn Bí thư tỉnh
Trong phiên xét xử hôm 4/1, được gọi lên xét hỏi, bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương khai nhận, đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền ứng test xét nghiệm để CDC Hải Dương sử dụng trước, rồi phối hợp với nhân viên Việt Á hợp thức thủ tục sau.
Theo bị cáo Tuyến, CDC Hải Dương thanh toán cho Công ty Việt Á bằng cách chỉ định thầu rút gọn. Tuyến giao cho Phòng Kế toán hoàn thiện hồ sơ, Phòng Kế toán phải triển khai các bước theo quy định.
Về các hợp đồng đã ký kết với Công ty Việt Á, Tuyến trình bày CDC Hải Dương đã ký 4 hợp đồng mua kit xét nghiệm với công ty này, tổng khoảng 147 tỷ đồng.
Bị cáo Tuyến khai, sau này khi tiếp tục thanh toán theo đợt 2, 3, Công ty Việt Á đề nghị trích lại phần trăm của mình để hỗ trợ, chia sẻ với CDC Hải Dương, theo như Việt Á nói là chia sẻ lợi nhuận với CDC Hải Dương.
Từ ngày 19/5/2021 đến ngày 19/11/2021, Việt đã chỉ đạo các nhân viên chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Tuyến 3 lần, tổng số tiền 27 tỷ đồng.
Về việc sử dụng số tiền, Tuyến nói theo chia sẻ, gợi ý của Công ty Việt Á là chia cho những người có công trong việc chống dịch. Tuyến chi cho lãnh đạo tỉnh, bản thân và những người ở CDC Hải Dương. Trong đó, Tuyến khai đưa cho cựu Bí thư Phạm Xuân Thăng 3 lần, 2 lần 300 triệu đồng, 1 lần 50.000 USD; đưa cho cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương Phạm Mạnh Cường 6 lần, tổng 7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tuyến còn đưa cho các bộ CDC Hải dương từ 20 triệu đến 500 triệu đồng, còn lại hơn 16 tỷ đồng, Tuyến khai làm các việc cá nhân.
Về lý do đưa tiền cho cựu Giám đốc Sở Y tế nhiều hơn cựu Bí thư tỉnh, Tuyến nói Cường là thủ trưởng trực tiếp, là người rất vất vả trong công tác chống dịch.
Nhiều CDC ứng kit test trước, trả tiền sau
Trả lời câu hỏi của HĐXX, nhiều bị cáo là cựu Giám đốc CDC các tỉnh đã khai nhận về sai phạm của mình liên quan đến đại án Việt Á.
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Định, cựu Giám đốc CDC Nghệ An, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng trên địa bàn tỉnh, bị cáo đã chỉ đạo việc "vay kit xét nghiệm" của Việt Á dù không quen biết ai ở công ty này.
Cũng theo lời bị cáo Định, trước khi "vay" kit test có hỏi ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An và nhận được sự đồng ý nhưng không có văn bản.
Sau khi vay thành công kit test xét nghiệm, cựu Giám đốc CDC Nghệ An đã cho nhân viên hợp thức hóa hồ sơ để thanh toán cho Việt Á. Theo lời khai của bị cáo Định, CDC Nghệ An ký 5 hợp đồng với Công ty Việt Á và đã thực hiện được 4, đến hợp đồng thứ 5 thì Phan Quốc Việt bị bắt.
Mặc dù không đề cập đến việc được trích phần trăm hoa hồng nhưng sau khi thanh toán hợp đồng, CDC Nghệ An được Việt Á 2 lần chuyển tiền, nói là mua kit xét nghiệm nên hỗ trợ. Riêng ông Định khai được nhận 185 triệu đồng từ Việt Á thông qua cựu Kế toán trưởng của CDC Nghệ An.
Tại CDC Bình Dương cùng diễn ra hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” khi tạm ứng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á và Công ty VNDAT để sử dụng trước rồi sau đó hợp thức thanh toán sau, thông qua 5 gói thầu và 7 hợp đồng.
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương, quá trình làm việc không có ai thỏa thuận hay đưa lợi ích vật chất gì cho ông. Việc bản thân bị cáo thực hiện sử dụng trước, thanh toán sau là thực hiện chỉ đạo từ Giám đốc Sở Y tế Bình Dương.
Ông Danh chỉ đạo nhân viên cấp dưới hợp thức thủ tục hồ sơ đấu thầu, thanh toán 7 hợp đồng với giá mà Công ty Việt Á, Công ty VNDAT đưa ra, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 55 tỷ đồng.