Văn hóa

Thấy gì ở dòng phim kinh dị Việt?

Ngọc Mai 07/01/2024 11:28

Theo Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phim “Quỷ cẩu” đạt doanh thu hơn 16 tỷ đồng chỉ trong 3 ngày nghỉ lễ (30/12/2023-1/1/2024). “Quỷ cẩu” đã nối dài chuỗi phim Việt có doanh thu tốt năm 2023. Trong khi đó, “Kẻ ăn hồn” - dự án phim kinh dị đã trở thành phim Việt ăn khách tại các phòng vé.

anh-1-bai-phim-kinh-di.png
Cảnh trong phim “Tết ở làng địa ngục”. Nguồn: Đoàn phim cung cấp.

Nỗ lực để có dấu ấn riêng

“Quỷ cẩu” - đạo diễn Lưu Thành Luân, sản xuất Võ Thanh Hòa, xoay quanh chuyện một gia đình làm nghề mổ chó, mỗi thành viên đảm nhận khâu ở lò mổ. Vì không muốn nối nghiệp cha, Nam (Quang Tuấn đóng) bỏ quê làm ăn xa. Khi cha - ông Mạnh (Đào Anh Tuấn) - đột ngột qua đời, Nam dẫn bạn gái về quê lo tang sự.

Từ đó, nhiều hiện tượng quỷ dị xảy ra. Ảo ảnh chú chó Mít liên tục xuất hiện, quấy nhiễu tâm trí Nam. Tác phẩm có phần mở đầu kịch tính khi khai thác đề tài về truyền thuyết “chó đội nón mê”, tuy rằng còn nhiều khiếm khuyết nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của khán giả. Câu chuyện phim đơn giản nhưng đánh mạnh vào tâm linh - tâm lý về nghiệp báo trong đối nhân xử thế của một gia đình giết mổ, buôn bán thịt chó lâu năm, khiến người xem ám ảnh.

Kể từ khi trào lưu phim kinh dị Việt xuất hiện, tới nay nhiều ý kiến cho rằng thể loại này đã có những bước tiến mới, doanh thu khả quan, thu hút đông đảo khán giả đến xem, giúp phòng vé sôi động. Đáng chú ý, nếu như trước đây, phim kinh dị Việt thiếu sáng tạo, có khi còn ngô nghê khi dựa dẫm quá nhiều vào những yếu tố ma, quỷ, bùa ngải, sát nhân... thì tới nay các tác giả đã chú ý khai các các giá trị trong văn hóa dân gian để từ đó xây dựng cốt truyện, nhân vật, bối cảnh... phù hợp với khẩu vị của người đương đại. Và cũng chính từ đó mà dòng phim kinh dị Việt đã thoát khỏi “cái bóng” của phim kinh dị nước ngoài, khi nỗ lực để có dấu ấn riêng.

Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn, những bộ phim kinh dị trước của anh như “Bắc Kim Thang”, “Chuyện ma gần nhà”… đều chọn lựa chất liệu và văn hóa bản địa, bởi văn hóa dân gian Việt Nam có cả một kho tàng các câu chuyện nhuốm màu sắc tâm linh, ma quái kích thích sự sáng tạo của các nhà làm phim. Đáng chú ý nhất là series “Tết ở làng địa ngục” - chiếm lĩnh hạng 1 của nền tảng K+ và Netflix, vượt qua nhiều phim quốc tế đình đám khác trong nhiều tuần liền; bộ đôi nhà sản xuất Hoàng Quân - đạo diễn Trần Hữu Tấn được cho là đã mở rộng lối đi lẫn hy vọng cho thể loại kinh dị, đặc biệt là kinh dị mang yếu tố thuần Việt.

Từ “Tết ở làng địa ngục” cho tới “Kẻ ăn hồn” là kết quả khá khả quan của quá trình rút kinh nghiệm rất hiệu quả. Khi xem “Tết ở làng địa ngục” và “Kẻ ăn hồn” có thể thấy những chi tiết hù dọa thừa thãi, hay hình tượng ma quỷ được tạo nên bằng kỹ xảo đều đã được cắt bớt.

Theo bà Bích Liên - chủ rạp Mega GS, sức hút của phim kinh dị khi chiếu rạp Việt là có thật. Nếu biết khai thác một cách hấp dẫn thì dòng phim kinh dị sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển ở thị trường rạp Việt. Hơn nữa, với màu sắc văn hóa bản địa riêng nhưng được làm phù hợp với xu hướng và khẩu vị của khán giả quốc tế thì phim kinh dị Việt sẽ có nhiều cơ hội để xuất khẩu.

anh-2-bai-phim-kinh-di.jpg
Cảnh trong phim “Kẻ ăn hồn”. Nguồn: Đoàn phim cung cấp.

Khai thác yếu tố dân gian và vấn đề kiểm duyệt

Trước những thành công, Trường đại học Hoa Sen đã tổ chức giao lưu với đoàn phim “Tết ở làng địa ngục” và “Kẻ ăn hồn”, với chủ đề "Những yếu tố dân gian trong phim kinh dị". Theo nữ nhà văn Thảo Trang, những chi tiết văn hóa đưa vào hai bộ phim đều là những yếu tố hoàn toàn của Việt Nam. Những câu chuyện mà chị muốn kể thì yếu tố kinh dị mang màu sắc tâm linh, kỳ ảo, có phần hoang đường chỉ là lớp áo bên ngoài. Qua chuyện thần bí cổ xưa để nói về những vấn đề đương đại thuộc về con người.

Còn đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết, để những yếu tố dân gian được hiện diện trên màn ảnh, anh cảm thấy rất áp lực vì "trước khi hay thì phải đúng trước đã". Mọi thứ đều phải được tính toán, hình dung rõ ràng trước khi ghi hình. Còn nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết, việc đặt bối cảnh bộ phim “Tết ở làng địa ngục” ở làng Sảo Há (tỉnh Hà Giang) mang đến những chất liệu văn hóa dân gian Bắc Bộ rất đặc trưng, từ nhà cửa, sân vườn, động vật, thực vật. Những tập tục ở đó được tạo nên từ những thói quen của con người từ miền xuôi lên trên miền núi. Theo thời gian, họ dần thay đổi để thích nghi.

Trong khi đó, theo TS Lư Thị Thanh Lê (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong kho tàng văn hóa Việt Nam, người Việt luôn có những hình dung về thế giới ma quái, những hiện tượng siêu nhiên, kỳ ảo, tin vào linh hồn, một thế giới khác. Việc khai thác chất liệu đó để đưa vào các sản phẩm văn hóa giải trí là khá khả thi và nhiều tiềm năng vì nó cũng gần gũi với tâm lý của người Việt. Việc có một loạt phim ra mắt cùng thời điểm mở đường cho một trào lưu làm phim vốn không phổ biến trước đây; điều đó tạo ra cơ hội để nghiên cứu, đào sâu vào truyền thống của người Việt, xem các quan điểm, suy nghĩ về những chuyện ma quỷ ra sao, từ đó thể hiện văn hóa, triết lý, nhân sinh quan của người Việt. Đồng thời cũng tạo ra những khả năng diễn giải lại truyền thống, quan niệm về hồn, ma quỷ theo góc nhìn đương đại và mới hơn.

Còn một nhà văn trẻ đến từ Linh Lan Books - đơn vị từng phát hành một số tiểu thuyết kinh dị sử dụng yếu tố dân gian, thì các sản phẩm văn hóa giải trí kinh dị tâm linh đang có đà của "một cơn sốt". Tuy nhiên "cơn sốt” nào rồi cũng sẽ qua đi, nhưng quan trọng là nó sẽ kích hoạt những luồng suy nghĩ, cảm hứng tìm tòi liên tục cho những người làm giải trí ở thế hệ mới.

Dù vậy, vấn đề đặt ra là kiểm duyệt thế nào với những bộ phim kinh dị, vì ít nhiều vẫn bị coi là mê tín dị đoan. Đây là điểm thách thức đối với nhà kiểm duyệt.

"Như thế nào là mê tín dị đoan? Những hồn ma bóng quỷ, kinh dị có phải là mê tín dị đoan không? Nhà làm phim làm sao để chứng minh phim có ma quỷ nhưng không phải mê tín dị đoan? Làm sao để chứng minh phim ma nhưng hữu ích, lành mạnh và có tính giải trí cao" - TS Lư Thị Thanh Lê đặt câu hỏi. Và thực tế thì ranh giới đó rất khó trả lời.

Do đó, trách nhiệm kiểm duyệt cao hơn, trách nhiệm của ê-kip làm phim cũng phải cao hơn, “điệu nghệ” hơn. Điều đó cần phải được đặt ra, kể cả khi dòng phim kinh dị Việt đang đem lại doanh thu lớn.

Nhìn lại điện ảnh Việt Nam năm 2023, nhiều ý kiến băn khoăn: Phải chăng phim giải trí thắng lớn còn phim lịch sử mất hút? Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Nguyễn Văn Nhiêm khi phát biểu tại Hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh, do Cục Điện ảnh chủ trì, đã bày tỏ băn khoăn khi cho rằng khán giả ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đang bị lãng quên. Ông Nhiêm nhấn mạnh, điện ảnh Việt Nam chưa phát triển toàn diện. Trong năm 2023, điện ảnh Việt có doanh thu 1.500 tỷ đồng nhưng chủ yếu thuộc về phim giải trí. "Phim lịch sử, phim truyền thống, phim thiếu nhi của chúng ta đang ở đâu?" - ông Nhiêm đặt câu hỏi.

Ngọc Mai