Mặt trận

Ngọn lửa tuổi hai mươi sáng mãi trong tim

THU HOÀN 08/01/2024 08:27

Bà Nguyễn Thị Yến - nguyên Tổng Thư ký Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên miền Nam Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Hội trí thức yêu nước TPHCM, Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM trao tặng những kỷ vật đã dày công gìn giữ hơn 50 năm cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong niềm xúc động dâng trào.

bai-chinh(1).jpg
Bà Nguyễn Thị Yến trao tặng chiếc máy đánh chữ của Tổng hội Sinh viên miền Nam Việt Nam đã từng sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: T. Hoàn.

Sinh năm 1943 trong một gia đình có điều kiện kinh tế khá giả tại Vĩnh Long, năm 1963, bà Yến lên Sài Gòn học và trở thành một nữ sinh Văn khoa nổi tiếng học giỏi, xinh đẹp, khéo léo trong giao tiếp, ứng xử. Để thuận tiện cho việc học tập, bà Yến ở nhà người cô ruột, điệp viên tình báo cách mạng Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo) sau này được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Con đường đưa bà Yến đến với cách mạng bắt đầu từ vai trò làm giao liên cho chính người cô ruột của mình. Sớm nhận ra những tố chất của bà Yến, điệp viên Nguyễn Thị Yên Thảo đã có ý định đào tạo, rèn luyện để cô cháu gái tiếp nối con đường của mình. Nhưng trong quá trình học ở Văn khoa, bà Yến nhận ra đây là môi trường phù hợp với mình hơn và quyết định dấn thân vào con đường đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước từ chính môi trường sinh viên sôi động.

Năm 1968, bà Yến đã có bằng cử nhân Văn khoa nhưng để tiếp tục ở lại trường hoạt động cách mạng và chính danh ra làm đại diện sinh viên, bà đăng ký học lấy thêm chứng chỉ Nhân văn và chứng chỉ văn chương Việt Hán rồi sau đó học tiếp lên cao học. Nhờ học giỏi ở Văn khoa và nhiều ban lại có khả năng tập hợp, vận động rất tốt nên bà Yến có uy tín lớn, ứng cử làm đại diện ở ban đang học và ở trường đều trúng cử. Trong vai trò là Phó Chủ tịch Ngoại vụ Ban Đại diện Sinh viên văn khoa, kiêm Thủ quỹ Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và sau đó là Tổng Thư ký Tổng hội Sinh viên miền Nam Việt Nam bà Yến đã nỗ lực, xông xáo cùng Ban Chấp hành Tổng hội gây dựng, phát triển đẩy mạnh phong trào đấu tranh của sinh viên đô thị. Đây là thời kỳ phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh phát triển rất mạnh, cả đấu tranh công khai và bán công khai, bí mật.

Với “vỏ bọc” là một tiểu thư con nhà giàu, không liên quan đến chính trị, với sự thông minh, nhiệt huyết và uy tín của mình, bà đã tận dụng các mối quan hệ với giới quan chức và thượng lưu Sài Gòn, xoay xở nhiều cách để gây quỹ và tạo các điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Tổng Hội Sinh viên miền Nam Việt Nam trong hoàn cảnh luôn bị địch theo dõi, đàn áp, bắt bớ...

Tháng 6/1972, bà Yến bị địch bắt. Địch tra khảo, giam giữ bà nghiêm ngặt từ năm 1972 - 1974 qua nhiều trại giam của Nha cảnh sát Đô thành, Tổng nha cảnh sát, nhà tù Thủ Đức. Ở nhà tù Thủ Đức, bà Yến nhiều lần tham gia đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù hà khắc, đấu tranh đòi hòa bình cho đất nước và bị đưa vào phòng biệt giam... Những trận đòn tra tấn dã man không những không thể làm bà nao núng tinh thần mà còn thổi bùng lên sự căm phẫn, dâng cao ý chí quyết tâm, rèn giũa sự chịu đựng gian khổ và một lòng một dạ kiên trung với đồng đội, với Tổ quốc. Trong tù, bà tiếp tục vận động các nữ tù nhân cùng đoàn kết đấu tranh. Cuối tháng 2/1974, bà được trao trả tự do tại Lộc Ninh trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Tuy vậy, bản lĩnh và khí chất vẫn rất đĩnh đạc khi được cử đọc kháng thư đòi trả tự do cho Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên miền Nam Huỳnh Tấn Mẫm để thu âm phát trên Đài phát thanh Giải Phóng.

Những năm tháng lăn lộn, xông pha trong phong trào tranh đấu của thanh niên, sinh viên, học sinh đô thị Sài Gòn đã tôi luyện và giúp bà đúc kết những trải nghiệm quý giá đặc biệt là khả năng tổ chức, tập hợp, vận động quần chúng. Sau ngày đất nước thống nhất, công tác ở Hội Trí thức yêu nước TPHCM, Ủy ban MTTQ TPHCM, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM, bất luận ở vị trí công tác nào bà Yến đều phát huy những lợi thế vốn có, tận tâm, tận lực, năng nổ với với công việc, hoàn thành trọn vẹn các trọng trách được giao, đặc biệt là giữ cho ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi 20 luôn tỏa sáng trong trái tim đầy trách nhiệm và nghĩa tình.

Những gì chúng tôi viết về bà Nguyễn Thị Yến chủ yếu là khai thác từ tư liệu tập hợp được còn bà rất kiệm lời khi nói về mình. Bởi bà luôn tâm niệm và nằm lòng triết lý sống: “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ/Tự kiêu một chút đã thấy thừa”. Những gì mà bà đã làm được đều nhờ sự giúp đỡ, chở che hết lòng của đồng chí, đồng đội, của nhân dân.

Chặng đường hoạt động mà bà Nguyễn Thị Yến đã đi qua, từ một cô tiểu thư xinh đẹp, nhà giàu, không yên vị sống trong an nhàn, nhung lụa, từ chối những lời hứa hẹn về cơ hội thăng tiến trong đời để lựa chọn con đường dấn thấn vào gian khổ, hiểm nguy, tự nguyện sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà và luôn gắn trách nhiệm của mình với vận mệnh của Tổ quốc, với nhân dân là một minh chứng chân thực và sinh động về sự hy sinh của cả một thế hệ cho lý tưởng sống cao đẹp.

“Chiếc máy đánh chữ và lá thư tay trong những năm tháng tù đày là kỷ vật thân thương, không chỉ gắn bó với thanh xuân sôi nổi, đầy ý nghĩa của tôi mà còn lưu giữ vô vàn những kỷ niệm, ký ức về những ngày tháng đấu tranh dũng cảm của anh chị em sinh viên đô thị, của Tổng Hội sinh viên Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước...” - bà Nguyễn Thị Yến chia sẻ.

THU HOÀN