Cẩn trọng trong giao thương, xuất khẩu nông sản
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản của Việt Nam nhận được yêu cầu từ phía khách hàng Trung Quốc về Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đăng ký và nộp phí thông qua 2 website: www.gacc.app và www.aqsiq.net. Trước thông tin này,Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) khẳng định, Tổng cục Hải quan Trung Quốc không yêu cầu về loại giấy tờ này và quy định thu phí trực tuyến. Theo đó, 2 website trên có dấu hiệu giả mạo và lừa đảo DN khi sử dụng tên viết tắt tiếng Anh của các cơ quan trực thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong địa chỉ website, đồng thời yêu cầu các DN phải trả phí từ 100 – 1.000 USD để đăng ký giấy tờ chứng nhận mã số xuất khẩu sang thị trường này.
Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo các DN cần truy cập các website chính thức của phía Trung Quốc có đuôi.cn để kiểm tra kết quả đăng ký, tra cứu thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời liên tục cảnh giác với các yêu cầu bất thường trong quá trình giao thương với đối tác.
“Theo quy định của Hải quan Trung Quốc và Việt Nam, không có chuyện thu phí về việc cấp mã xuất khẩu và cấp giấy chứng nhận cho DN. Trong trường hợp có khách hàng yêu cầu như vậy thì đề nghị các DN liên hệ trực tiếp với cơ quan đầu mối quốc gia là Văn phòng SPS Việt Nam, chúng tôi sẽ có trách nhiệm để giải đáp các quy định này cho DN" - ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) cho biết.
Cũng theo ông Nam, Văn phòng SPS Việt Nam cũng đang dự kiến xây dựng cổng thông tin sẽ kết nối với các DN thông qua các app để có thông tin.
Năm 2023, thị trường Trung Quốc dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu nông sản Việt Nam, với 12,2 tỷ USD, chiếm 23%. Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.
Mặc dù vậy, theo SPS, để tận dụng lợi thế địa lý từ thị trường tiềm năng này cần hướng đến sản xuất bài bản mới có thể đi đường dài. “Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các Cục chuyên ngành trong việc giám sát mã số sau vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đều phải đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm quy định trong các Nghị định thư. Khơi thông và giữ thị trường sẽ giúp nông sản Việt Nam nói chung, rau quả và trái cây Việt Nam nói riêng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường giàu tiềm năng như Trung Quốc” - đại diện SPS nhấn mạnh.