Hiệu quả từ liên kết ‘4 nhà’
Qua 12 năm triển khai, mô hình trồng khoai tây Atlantic ở thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) với sự liên kết "4 nhà" đã phát huy lợi thế và mang lại những hiệu quả kinh tế.
Không lo đầu ra
Đầu năm 2024, chúng tôi về xã Bình Dương (thị xã Đông Triều). Đưa chúng tôi đi tham quan những ruộng khoai tây Atlantic xanh mướt đang trổ hoa, được quy hoạch theo hàng lối thẳng tắp, ông Trịnh Xuân Dương - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Bình Dương giới thiệu: Đây là mô hình trồng cây khoai tây Atlantic với sự liên kết "4 nhà", gồm: Nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp.
Từ năm 2012, Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Hàn Quốc) phối hợp với thị xã Đông Triều đưa khoai tây Atlantic vào trồng thí điểm nhằm mục đích xây dựng vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Diện tích trồng khoai tây Atlantic thí điểm ở xã Bình Dương là 10ha.
Bước đầu triển khai mô hình còn gặp nhiều khó khăn, do người dân còn chưa làm quen với những quy trình canh tác nghiêm ngặt. Để tạo niềm tin cho người dân, thị xã Đông Triều và xã Bình Dương đã tích cực triển khai các cơ chế hỗ trợ cùng với sự kích cầu của các bên liên kết. Trong đó, doanh nghiệp đã phối hợp Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đảm bảo cung cấp cây giống, thuốc vi sinh chống bệnh nấm mốc và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, hỗ trợ máy móc thiết bị làm đất… Đồng thời, đảm bảo thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân. HTX Nông nghiệp Bình Dương đại diện cho người dân đứng ra cam kết, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp; nhận và cung cấp giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giám sát quy trình, cung cấp dịch vụ tưới tiêu, làm đất;…
Với sự liên kết của “4 nhà”, mô hình trồng khoai tây Atlantic ở xã Bình Dương đã phát huy lợi thế và mang lại hiệu quả rõ rệt. Diện tích trồng khoai tây Atlantic trên địa bàn xã Bình Dương tăng từ 10ha vào năm 2012 đến nay là 135ha. Chất lượng, sản lượng, năng suất khoai tây Atlantic cũng ngày càng tăng lên, đem lại hiệu quả kinh tế cao khiến bà con nông dân phấn khởi. Vụ đông 2022-2023, sản lượng khoai tây Atlantic của xã Bình Dương đạt hơn 1.300 tấn. Trị giá thu hoạch vùng khoai tây của xã đạt hơn 11 tỷ đồng” - ông Dương thông tin.
Theo phản ánh của một số bà con nông dân xã Bình Dương, cái được nhất của mô hình trồng khoai tây Atlantic với sự liên kết "4 nhà" chính là không phải lo đầu ra sản phẩm. Việc liên kết “4 nhà” giúp người nông dân được bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định. Điều này khiến bà con tin tưởng, yên tâm sản xuất…
“Trồng khoai tây theo mô hình liên kết “4 nhà” giúp chúng tôi nhàn hơn rất nhiều. Chúng tôi không còn phải lo “được mùa, mất giá” vì giá cả đã được ấn định và thông báo ngay từ đầu. Bà con cũng không phải vất vả tự mang hàng đi giao, bán mà chỉ việc tập trung trồng trọt, nâng cao sản lượng” - ông Lê Văn Huy (thôn Tân Thành, xã Bình Dương) chia sẻ.
Nhân rộng mô hình liên kết
Được biết, khi chưa có chủ trương trồng cây vụ đông và triển khai mô hình này thì toàn bộ đồng đất của xã Bình Dương chỉ cấy 2 vụ lúa/năm và trồng xen canh rau. Sau vụ lúa mùa, hầu hết ruộng đồng thường bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất. Sau khi có sự liên kết trồng khoai tây, những cánh đồng của Bình Dương luôn được “thay áo mới” quanh năm nhờ xen canh, tăng vụ. Khoai tây Atlantic đã trở thành cây chủ lực trong vụ đông của xã, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình.
“Chúng tôi mong muốn bà con nông dân sẽ tiếp tục đồng hành, lao động sản xuất mở rộng thêm diện tích trồng khoai tây để có nhiều người hơn nữa được hưởng lợi ích kinh tế từ việc trồng khoai tây trong vụ đông. Qua đó, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương… Hiện quỹ đất của Bình Dương vẫn có thể đáp ứng mở rộng diện tích trồng khoai tây khoảng 50-70ha. Về phía nhà máy tiêu thụ sản phẩm thì cung vẫn chưa đủ cầu” - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Bình Dương cho biết thêm.
Năm 2023, qua kênh của HTX Nông nghiệp xã Bình Dương đã giới thiệu, chuyển giao khoa học kỹ thuật một số đơn vị trong tỉnh như ở Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên… thực hiện sản xuất khoai tây Atlantic theo mô hình liên kết “4 nhà”.
Bên cạnh khoai tây Atlantic, thị xã Đông Triều còn có các sản phẩm được sản xuất theo mô hình liên kết “4 nhà” khác mang lại hiệu quả như: Vùng lúa chất lượng cao tại các xã Nguyễn Huệ, Bình Dương; vùng nếp cái hoa vàng, vùng rau tại các phường Hồng Phong, Xuân Sơn… Các mô hình đều phát huy hiệu quả, có sự thay đổi về chất lượng, giá bán sản phẩm tăng từ 10 - 15% so với sản xuất thông thường qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Bà Lưu Thị Dương - Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều cho biết: Việc liên kết “4 nhà” đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, từ đó người dân an tâm sản xuất vì được hướng dẫn quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và sản phẩm đầu ra được bao tiêu ổn định.