Đồng loạt chương trình kích cầu tiêu dùng dịp Tết
Chỉ còn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán. Tại thời điểm này các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị đồng loạt tung các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa.
Đại diện MM Mega Market (Việt Nam) cho biết, đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, áp dụng mức giảm từ 10% - 30% đến Tết. Tương tự, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), đã phối hợp với Công ty TNHH xuất nhập khẩu và bán lẻ hàng tiêu dùng Hà Nội (HCRC) xây dựng kế hoạch marketing với những chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng kèm sản phẩm, chính sách giao hàng tại nhà… Bên cạnh hình thức mua bán trực tiếp tại điểm bán, hệ thống siêu thị BRGMart, Hapromart, Haprofood còn tập trung đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp dự báo nhu cầu mua sắm của người dân từ nay đến Tết sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được các doanh nghiệp (DN) chủ động chuẩn bị từ sớm, với lượng hàng dự trữ tăng 10 - 25% so với cùng kỳ.
Cùng với chương trình giảm giá sâu, khuyến mãi hấp dẫn, các DN bán lẻ, siêu thị cũng tổ chức đồng thời các đợt livestream bán hàng online để tiếp cận khách hàng rộng rãi hơn. Hệ thống siêu thị Co.opMart đã lên kế hoạch tổ chức các phiên livestream theo từng giai đoạn của Tết, bắt đầu từ 14 - 31/1 để tung 5.000 đơn mua sắm tết tiết kiệm, trực tiếp giải đáp cho khách hàng về sản phẩm… Còn hệ thống siêu thị Go! Big C, WinMart, LOTTE Mart… đã giới thiệu sản phẩm giỏ quà Tết trên website doanh nghiệp và mạng xã hội Facebook, Zalo; kể cả chương trình quà tặng và ưu đãi đi kèm chiết khấu lên tới 15%, quà tặng thẻ mua hàng, giảm giá thêm cho các đơn hàng lớn cùng với miễn phí vận chuyển...
Theo Sở Công thương Hà Nội, những năm gần đây, các chương trình bình ổn thị trường đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Với sự tham gia đông đảo của các DN, hệ thống phân phối và bán lẻ, dù sức mua nhiều thời điểm có tăng cao, song về cơ bản, nguồn cung hàng hóa dồi dào đã giúp giả cả không có nhiều biến động. Sở cũng đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán năm 2024 với tổng trị giá 40.900 tỷ đồng, có 12 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết, gắn với chương trình bình ổn giá trên địa bàn, tăng khoảng 10% so với năm 2023.
“Các DN đã dự trữ hàng hóa trước Tết 3 tháng, đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm; đủ nguồn hàng đa dạng phong phú, chủ yếu khai thác thị trường nội địa phục vụ người dân trong dịp Tết, hàng nhập khẩu chỉ chiếm 7% - 10%. Sở cũng đã giao chỉ tiêu cho các DN cung ứng trên địa bàn với gần 18.000 điểm bán hàng Tết đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân” - bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay.
Còn theo Bộ Công thương, nguồn hàng phục vụ Tết năm nayrất dồi dào không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Để tăng sức mua của người dân, các bộ ngành địa phương đang tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng trong dịp tết, triển khai đồng bộ hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.